Bài dự thi số 1 cuộc thi online kỷ niệm 15 năm thành lập Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số

31
05
'21

Bài dự thi số 1 của bạn Dương Thị Kiều Nhi, sinh viên lớp ĐH Dân tộc thiểu số 11.

BÀI DỰ THI SỐ 1

Họ và tên: Dương Thị Kiều Nhi

Lớp: Văn hóa dân tộc thiểu số 11

Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số

 

1 giờ đêm (Ngày 7/8/2018), tôi nhận được danh sách các thí sinh trúng tuyển vào trường Đại học Văn hóa Tp. HCM, cảm xúc thật bồi hồi khi tôi mở danh sách lên và dò tên từng người một, trong lòng suy nghĩ không biết có tên mình trong danh sách không. Và rồi…Dương Thị Kiều Nhi, tôi trúng tuyển thật rồi, vui sướng biết bao nhiêu. Đó là dấu hiệu tôi thực sự được bén duyên với Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số, với niềm đam mê tìm hiểu văn hóa các tộc người khi còn là học sinh.

Vài ngày sau, tôi nhận được sự quan tâm đầu tiên đến từ cuộc gọi thông báo trúng tuyển: “Alo, phải Dương Thị Kiều Nhi không em?, em trúng tuyển vào ngành Văn hóa các Dân tộc thiểu số Việt Nam, khi nhập học em nhớ mang theo…” giọng nói của cô rất ấm áp, tôi rất mong chờ đến ngày học đầu tiên trên giảng đường Đại học. Ngày làm hồ sơ nhập học, lần đầu tôi được đặt chân lên Tp. HCM tôi thực sự chẳng biết điều gì, nếu không có sự hỗ trợ từ các anh chị trong khoa từ thủ tục nhập học, cho đến ngân hàng và nơi ở, tôi sẽ không biết phải làm gì, đó là hơi ấm thứ hai tôi nhận được trong ngôi trường Văn hóa.

Buổi học đầu tiên tại trường, tôi được gặp cô chủ nhiệm và các bạn học trong lớp, tưởng chừng như xa lạ, nhưng không ngờ lại gần gũi và quý mến nhau đến lạ thường, cô nói cho chúng tôi nắm rõ hơn về ngành học, quá trình học trong 4 năm và cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Cho đến nay tôi đã học được rất nhiều từ những điều đó, Khoa tạo điều kiện cho chúng tôi các chuyến đi thực tế “Chào đón Tân Sinh Viên” tại Ninh Thuận, trong suốt chuyến đi tôi được giao lưu, trò chuyện, quan tâm từ thầy cô và các anh chị trong khoa, được tìm hiểu về người văn hóa người Chăm qua lễ hội Katê, trang phục, các điệu múa, đi đến làng dệt, bảo tàng, vườn trái cây và các hoạt động vui chơi tại bãi biển. Cho đến khi chúng tôi lên năm hai, chúng tôi sẽ là những người tiếp nối, phối hợp với Khoa thực hiện các chuyến thực tế cho các em tân sinh viên, điển hình là chuyến đi “Đi để học – đi để trưởng thành” tại Sóc Trăng, cùng với người dân tái hiện lễ cúng trăng, xem lễ hội Đua ghe ngo. Đến năm ba, tôi được tổ chức sự kiện “Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam”, đem lại cho chúng tôi các kỹ năng như: làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức, kỹ năng lãnh đạo,…và là cơ hội để chúng tôi và mọi người biết thêm được nét văn hóa của các tộc người thông qua việc tổ chức sự kiện. Không chỉ dừng lại ở đó, chúng tôi được Khoa tạo điều kiện đi đến vùng các tộc người thiểu số để tìm hiểu, nghiên cứu các giá trị văn hóa như nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, cách làm rượu cần,…được tiếp xúc với người dân, họ vô cùng thân thiện và quý chúng tôi. Còn nhiều điều tuyệt vời nữa sẽ chào đón tôi và các bạn trong các sự kiện tiếp theo: Sắc Màu Văn Hóa, các chuyến đi kiến tập, thực tập.

Nhân dịp kỉ niệm 15 năm thành lập Khoa, tôi thực sự biết ơn quý thầy cô và anh chị đã đem lại cho chúng tôi một mái nhà Văn hóa mà chúng tôi không thể nào quên được. Để đáp lại lời cảm ơn đó, tôi sẽ cố gắng thật nhiều, duy trì những điều tốt đẹp từ thầy cô và các anh chị, dành những điều tốt đẹp đó cho các em ở thế hệ mai sau.

                                                                                                                                            Dương Thị Kiều Nhi

 


 

Từ khóa: