Giáo trình “Văn hóa người Hoa” nghiệm thu cấp trường đạt loại xuất sắc

23
11
'21

Sáng ngày 23- 11- 2021 tại phòng B.101, cơ sở 1 Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức nghiệm thu giáo trình đại học “Văn hóa người Hoa” do TS. Nguyễn Thị Nguyệt- giảng viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số biên soạn.

Sáng ngày 23- 11- 2021 tại phòng B.101, cơ sở 1 Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức nghiệm thu giáo trình đại học “Văn hóa người Hoa” do TS. Nguyễn Thị Nguyệt- giảng viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số biên soạn.

Hội đồng nghiệm thu gồm có PGS. TS. Nguyễn Thế Dũng (Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM)- Chủ tịch hội đồng; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ (Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Tp.HCM) - Phản biện 1; TS. Trần Hạnh Minh Phương (Phó Viện trưởng Viện Phát triển chiến lược, Đại học Thủ Dầu Một) - phản biện 2, ThS. Hứa sa Ni (Phó trưởng Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM) - Ủy viên và TS. Nguyễn Thái Hòa (Giảng viên chính Khoa Di sản Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM)- Thư ký Hội đồng.  

Hôi đồng nghiệm thu đã nghe TS. Nguyễn Thị Nguyệt trình bày về quá trình biên soạn giáo trình “Văn hóa người Hoa” và chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng nghiệm thu cấp khoa trước khi ra hội đồng cấp trường. Nội dung bản thảo giáo trình Văn hóa người Hoa gồm 326 trang chính văn (kèm nhiều hình ảnh minh họa) được cấu trúc theo liên ngành văn hóa học và dân tộc học gồm 4 chương: Khái luận văn hóa tộc người và người Hoa; Văn hóa xã hội, văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.

Chương 1: Khái luận về văn hóa tộc người và người Hoa. Nội dung gồm những khái niệm, thuật ngữ về văn hóa, văn hóa tộc người, văn hóa người Hoa, giao lưu tiếp biến văn hóa, cách tiếp cận văn hóa Hoa, tổng quan về người Hoa ở Việt Nam (lịch sử di cư, địa bàn cư trú, dân số, ngôn ngữ, chữ Hán). Qua chương này, giúp người đọc có mối liên hệ từ văn hóa tộc người đến văn hóa người Hoa, tổng quan về người Hoa ở Việt Nam…

Chương 2: Văn hóa xã hội. Nội dung về tổ chức gia đình dòng tộc, tổ chức bang hội, các thiết chế văn hóa xã hội người Hoa. Người Hoa ở Việt Nam quy tụ theo từng bang (Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu, Hẹ và Hải Nam), Minh Hương xã, Thanh Hà xã nhằm hỗ trợ nhau ổn định ở quê hương mới. Hội quán, chùa, miếu, trường học, bệnh viện được xây dựng ở những nơi họ sống tập trung, đặc biệt vùng Sài Gòn- Chợ Lớn.

Chương 3: Văn hóa vật chất. Nội dung về hoạt động kinh tế, ẩm thực, trang phục, nhà ở người Hoa. Ngôi nhà người Hoa luôn nhỏ hẹp, cất biệt lập hoặc liên kết thành dãy phố để thuận lợi cư trú và buôn bán. Trang phục truyền thống thường ngày dễ thấy ở người lớn tuổi với áo ngắn nút vải, quần lá tọa. Vào lễ tết người Hoa mặc sườn xám, trường bào, trang phục đám cưới với sắc đỏ chủ đạo. Các món ăn người Hoa rất tiêu biểu nhưng ngày nay cũng ảnh hưởng cách ăn và chế biến kiểu món ăn Việt, Khmer…

Chương 4: Văn hóa tinh thần. Nội dung về Tín ngưỡng -Tôn giáo, Phong tục – Lễ hội, Văn học - Nghệ thuật người Hoa. Tín ngưỡng dân gian phổ biến thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh Đế quân, Ông Bổn, Phúc Đức Chính thần, Quan Âm bồ tát; các tôn giáo bản địa như Nho giáo, Đạo giáo cùng với Phật giáo phát triển ở Trung Quốc du nhập vào Việt Nam. Phong tục lễ hội với các nghi lễ vòng đời; tập tục; kho tàng lễ hội dân gian đặc sắc với phần hội tuần du thu hút đông đảo người tham gia. Văn học người Hoa điển hình với các truyền thuyết, thơ ca của các văn sĩ người Hoa Minh Hương (Bình Dương thi xã, Tao đàn Chiêu Anh Các, Gia Định Tam Gia), thành ngữ, câu đối; nghệ thuật tạo hình với thư pháp, tranh thủy mặc, điêu khắc chùa miếu; nghệ thuật biểu diễn gồm hý kịch và nhạc lễ, đặc biệt múa lân sư rồng hẩu thường thấy trong lễ hội, sự kiện văn hóa người Hoa.

Hội đồng nghiệm thu đã góp ý cụ thể: chỉnh sửa tên gọi giáo trình chuẩn là “Văn hóa người Hoa” (thay cho Văn hóa Hoa). Đề nghị tác giả viết cô đọng hơn để rút ngắn số trang theo quy định của giáo trình, chỉnh sửa từ ngữ phù hợp, chỉnh sửa tên chương 2 là “Văn hóa xã hội” (thay cho Văn hóa tố chức xã hội), chỉnh sửa tên chương 3 là “Văn hóa vật chất” (thay cho Văn hóa đảm bảo đời sống) để đăng đối với Văn hóa tinh thần, bỏ bảng chữ viết tắt, cập nhật trích dẫn theo chuẩn APA.

Ngoài những góp ý, Hội đồng đã đánh giá cao nỗ lực nghiên cứu biên soạn giáo trình Văn hóa người Hoa của tác giả Nguyễn Thị Nguyệt. Giáo trình đã đáp ứng được mục tiêu và nội dung của môn học. Kết quả, giáo trình Văn hóa người Hoa của TS. Nguyễn Thị Nguyệt đã được Hội đồng nghiệm thu bỏ phiếu 100% đạt loại xuất sắc.

Giáo trình sau khi được nghiệm thu chỉnh sửa và xuất bản sẽ là giáo trình đào tạo hệ cử nhân của Trường Đại học Văn hóa tp.HCM cho các ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam, Văn hóa học, Việt Nam học… và các ngành học liên quan ở các cơ sở giáo dục đại học trong nước.

             

                   Hội đồng nghiệm thu giáo trình Văn hóa người Hoa                                                           

                                                                                                                               Bài: Nguyên ThơẢnh: Huyền Nguyễn

Từ khóa: