Sinh viên tham quan thực tế môn Di sản văn hóa

01
04
'19

          Thực hiện chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, ngày 19/3/2019 sinh viên hai lớp Đại học Văn hóa dân tộc thiểu số 9 và 10 của Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số đã được tham quan thực tế môn học Di sản văn hóa tại các địa điểm: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh, Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh và sân khấu rối nước thành phố Hồ Chí Minh.

        Tại Bảo tàng Lịch sử TP. HCM, sinh viên được tiếp cận các sưu tập hiện vật bảo tàng, di sản văn hóa vật thể từ thời kỳ tiền sử với các nền văn hóa Núi Đọ, Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đồng Đậu, Phùng Nguyên đến thời sơ sử với văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đồng Nai. Các hiện vật thuộc các thời đại văn hóa Đại Việt, văn hóa Champa, văn hóa Óc Eo… Nội dung trưng bày bảo tàng được cán bộ thuyết minh thể hiện một cách tận tình, diễn cảm, hùng hồn, cung cấp nhiều kiến thức bổ ích và giúp sinh viên nhận biết về giá trị của các di sản văn hóa ở Việt Nam, đặc biệt những di sản quý báu đã được công nhận là bảo vật quốc gia đang lưu giữ nơi đây.

         Ở Bảo tàng thành Phố Hồ Chí Minh, các sinh viên được tiếp cận những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thông qua công tác hướng dẫn tham quan của cán bộ thuyết minh bảo tàng rất nhiệt tình dễ mến. Các bạn được bổ sung kiến thức về thiên nhiên, văn hóa và con người Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh. Những phong tục tập quán như: tín ngưỡng thờ thần Thành hoàng ở Nam Bộ, phong tục cưới hỏi của các dân tộc Việt, Hoa, Chăm, Khmer ở thành phố Hồ Chí Minh.

          Đối với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, các bạn sinh viên đã được trực tiếp xem biểu diễn các tiết mục múa rối nước tại sân khấu múa rối nước với nhiều tiết mục truyền thống như: múa rồng, nông dân chăn vịt, úp cá… Các tiết mục biểu diễn rối nước được biểu diễn nhuần nhuyễn kết hợp giữa âm thanh và điều khiển các con rối của các nghệ nhân đứng sau mành trúc. Âm nhạc của rối nước ở sân khấu rối nước thành phố Hồ Chí Minh là sự ứng dụng và khai thác làm điệu dân ca, các điệu lý, câu hò của Nam Bộ rất quen thuộc. Phần diễn tấu kết hợp của các con rối nước ra vô hợp lý bên cạnh âm nhạc Nam Bộ làm nền góp phần tạo không khí sôi động của sân khấu rối đến với các bạn trẻ hôm nay.

        Không chỉ thế, văn hóa phi vật thể Nam Bộ còn được cô thuyết minh Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh ngẫu hứng cất lên khi kết thúc phần thuyết minh về chủ đề di sản Đờn ca tài tử Nam bộ tạo cảm hứng thu hút tập trung cho các bạn khi tham quan tìm hiểu nơi đây.

       Tham quan thực tế là hoạt động ứng dụng bên cạnh việc cung cấp lý thuyết của giảng viên trên lớp. Các sinh viên cần được tham gia các hoạt động thực tế nhiều hơn nữa nhằm tiếp thu kiến thức tại thực địa, bổ sung bên cạnh những tiền đề lý luận cho các môn học theo định hướng ứng dụng hiện nay.

Một số hình ảnh tham quan thực tế

 

                                                                                                                                                  Bài, ảnh: N. T. Nguyệt

Từ khóa: