Lễ hội Ph'Chum - Banh (Sên - Đôn -Ta) của người Khmer Nam bộ

23
12
'24

LỄ HỘI PH’CHUM-BANH (SÊN-ĐÔN-TA) CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ 

Tác giả ThS. Hứa Sa Ni.

 

Nghiên cứu về phong tục tập quán của người Khmer Nam Bộ, trước đây nhiều tác giả cho rằng “người Khmer không có tục thờ tổ tiên”? Phải chăng do hầu hết trong cộng đồng xã hội Khmer khi có người chết thường hỏa táng, sau đó đem xương tro cất giữ trong các ngôi tháp tại chùa, rất ít thờ tại nhà như người Kinh, người Hoa, nên các tác giả đã khẳng định như vậy? Trên thực tế, hiện tượng này khá phổ biến trong cộng đồng người Khmer, song không vì thế lại kết luận rằng, người Khmer không có tục thờ tổ tiên? 

Một câu hỏi đặt ra, nếu người Khmer không có tục thờ tổ tiên, thì tại sao họ không vứt bỏ xương tro người thân của mình sau khi hỏa táng xong? Tại sao họ phải làm giỗ cúng cho người chết hàng năm? Họ phải thỉnh nhà sư tụng kinh cầu siêu cho thân nhân quá cố vào những dịp tết Chôl-chnăm-thmây? Đặc biệt, họ dành một ngày quan trọng để cúng cho những vong linh người đã khuất vào dịp lễ hội “Ph’chum-Banh”, mà nhiều người gọi là lễ hội Sên-Đôn-Ta (Cúng ông bà)? Và, để trả lời cho câu hỏi người Khmer có hay không, tục thờ tổ tiên, chúng ta hãy tìm hiểu lễ hội “Ph’chum-Banh” (Sên-Đôn-Ta) của họ để có câu trả lời thỏa đáng. 

1- Về tên gọi và nguồn gốc của lễ hội Ph’chum-Banh/Sên-Đôn-Ta 

Sên-Đôn-Ta có nghĩa là “cúng/thờ ông bà” (Sên=cúng/thờ, Đôn bà,Ta=ông). Đúng hơn lễ hội này từ rất xưa được gọi là lễ hội “Ph chum- Banh” hoặc Kăn-Banh hoặc Bos-Bai-banh. Từ “Banh” trong “Phchum-Banh” có nghĩa là vắt cơm nếp - một loại lễ vật chỉ dành cúng cho “ma quỷ”, có nguồn gốc từ tiếng Pali, viết đúng phải là Banh-đă. Còn từ “Ph’chum” có nghĩa là sự tụ họp. Ph’chum-Banh không chỉ có nghĩa là sự gom tụ những lễ vật cúng cho ma quỷ, mà còn là biểu hiện cho sự tập hợp của đông đảo bà con tại ngôi chùa để thực hành nghi lễ cúng ma quỷ diễn ra vào ngày cuối cùng của 15 ngày tổ chức lễ hội Ph’chum-Banh. Người Khmer quan niệm rằng, con người sau khi chết chưa hẳn được siêu thoát lên cõi Niết bàn, mà tùy theo nghiệp (thiện/ác) của kiếp trước sẽ được tái sinh nơi cõi trời hay bị đày ở chốn địa ngục và biến thành những loài ma, quỷ dữ. 

Có thể nói, lễ hội Ph’ chum-Banh là một trong ba lễ hội truyền thống lớn của người Khmer. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, lễ hội này có từ rất xa xưa, trước khi cả người Khmer tiếp nhận tín ngưỡng Bà-la-môn giáo và Phật giáo. Cũng có người cho rằng, lễ hội này được hình thành từ đạo Phật, đặc biệt từ khi đức Phật đặt ra quy định 3 tháng An cư Kiết hạ đối với Tăng đoàn. Cho đến nay, có khá nhiều truyền thuyết liên quan tới sự ra đời của lễ hội Ph'chum-Banh/ Sên-Đôn-Ta. Chẳng hạn câu chuyện về tôn giả Mục Kiền Liên khi đắc “Lục Thông” đã chứng kiến cảnh tượng của thế giới ma quỷ và được đức Phật giảng giải về các loài quỷ; hoặc những câu chuyện trong kinh Pháp Cú kể về vị vua Bình Sa Vương (Bimpisa) thuộc nước Ma Kiệt Đà (Magadha) thường xuyên nghe thấy tiếng rên rỉ, la hét của bầy ma quỷ vào lúc nửa đêm trong Hoàng cung... là những truyền thuyết liên quan đến đạo Phật đã lý giải khá đầy đủ về sự ra đời của lễ hội Ph’chum-Banh mà ngày nay người Khmer thường truyền kể cho nhau nghe về sự tích này. 2000 tour ốc Posd La 

2- Thời gian, không gian tổ chức 

Theo truyền thống của phong tục tập quán Khmer, lễ hội Ph’chum-Banh thường được tổ chức trong thời gian 15 ngày (tương đương khoảng từ 16 đến 30/8 Âm lịch) tại các ngôi chùa trong phum, sóc và tại từng hộ gia đình. 14 ngày đầu gọi là ngày “Kăn-banh” hoặc “Đắk- banh” hoặc “Bos-bai-banh” (nghĩa chung của các từ này là đặt hoặc ném vắt cơm cho các loài ma quỷ ăn), ngày cuối cùng được gọi là ngày “Ph’chum-Banh”. Và, chính trong ngày cuối cùng này, tại từng gia đình người Khmer, bà con thường bày mẫm cỗ để cúng cho vong linh người thân đã khuất. Đúng hơn là cúng cho tổ tiên. Vì thế, lễ hội Ph’chum-Banh còn được gọi là lễ hội Sên-Đôn-Ta. Ngày nay, phần lớn người Khmer Nam Bộ chỉ thực hiện lễ hội này khoảng 3 ngày đêm. 

3- Diễn trình và ý nghĩa của lễ hội Ph’chum-Banh/Sên-Đôn-Ta 

Trước thời gian diễn ra lễ hội, quan sát quanh phum sóc của người Khmer, ta sẽ thấy rõ sự thay đổi ít nhiều so với ngày thường. Cảnh quan môi trường sạch sẽ, thông thoáng hơn; nhà cửa được trang trí thu xếp gọn gàng. Ở ngoài sân, bàn thờ ông Thiên (thờ thần Tê- vô-đa) cũng được quét dọn, sơn sửa lại để chuẩn bị nghênh đón các vị thần và linh hồn của ông bà tổ tiên. Còn bên trong nhà, trên bàn thờ tổ tiên của từng gia đình, người ta thấy xuất hiện một lọ hoa duyên dáng được cắm những cành hoa tươi tắn, xinh xắn và đẹp nhất. Sự có mặt của lọ hoa này đã tạo nên một nét đẹp hài hòa, cân xứng với sự hiện diện của chiếc bình đựng hài cốt của ông bà tổ tiên đã khuất, đang đặt bên cạnh. Tuy chiếc bình được chế tác bằng kim loại (đồng thau, hoặc bạc) đúc khuôn sẵn, thế nhưng với đường nét hoa văn tinh tế, sắc xảo, hài hòa với hình dáng của chiếc bình giống như mô hình của chiếc tháp (stúpa) được thu nhỏ, mang phong cách nghệ thuật Phật giáo đậm đặc, đã thể hiện rõ sự khéo léo của các nghệ nhân - những người đã dày công để làm ra vật mẫu ban đầu. 

Đối với những người phụ nữ trong gia đình, với tư cách là người nội trợ, thì tất bật ngược xuôi chuẩn bị chu đáo các thứ vật liệu như: gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, lá chuối... để tiến hành gói bánh, làm lễ vật như: bánh tét, bánh ít, bánh gừng... các loại bánh này sẽ là lễ vật để cúng cho ông, bà tổ tiên và đem dâng cúng cho nhà chùa. Đặc biệt, bà con tập trung làm lễ vật chính, quan trọng dành cho lễ Đỗn-ta, đó là lễ vật “Bai-banh” và “Bai-bách-t’bô”. Bai-banh và Bai-bách-t’bô thường được làm từ gạo nếp, trộn lẫn với nước cốt dừa và một số hương vị khác (tùy theo cách chế biến của từng vùng) đồ thành, sau đó đổ vào khuôn hoặc người ta nặn thành hình quả cầu, từng vắt một. Để gây ấn tượng, nhiều người cẩn thận trang trí cho lễ vật “Bai-banh” và “Bai-bách-t’bô” sao cho thật đẹp, thật lộng lẫy. 

Cách bài trí lễ vật này cũng là điều đáng chú ý. Trước tiên, người ta dùng một cái khay tròn có chân đế, cao khoảng 10cm, đường kính khoảng từ 15 - 20cm, được làm từ kim loại tổng hợp, rồi xếp 08 hoặc 09 vắt cơm Bai banh lên chiếc khay thành một vòng tròn. Từng vắt cơm “Bai-banh” này sẽ được đặt trong một cái túi nhỏ (kon-tônk) làm bằng giấy hoặc lá chuối hoặc lá dừa, và có thêm một ít lễ vật khác, như: chuối, khoai, đậu, thuốc lá, trầu cau, nước hoa, dầu thơm ... cũng để chung trong chiếc túi nhỏ này, dùng để cúng dường cho ma quỷ. Ở giữa khay là vắt cơm Bai-banh to hơn và có hình thù đôi khi là hình cầu hoặc hình tháp. Để tạo dáng cân xứng và hài hòa cho chiếc khay cơm “Bai- banh”, thường người ta lấy một chiếc lồng bàn nhỏ, có dáng giống như chiếc phễu úp xuống, thon thả, cao khoảng 20 - 25cm đậy lại. Trên đỉnh lồng bàn được trang trí 8 hoặc 10 chiếc cờ phướng nhỏ, cùng với nhiều loại hoa lá bằng giấy mẫu khác trông rất đẹp mắt. Việc tạo dáng cho khay cơm “Bai-banh” như thế chính là một sự tượng trưng “cho cây bông Đôn-Ta mà người Khmer gọi là cây “Pha-ca-banh” (vì xưa kia người Khmer thường làm khay cơm “Bai- banh” riêng và cây bông “Pha-ca-banh” riêng). Chiếc khay cơm “Bai-banh” sau khi được trang trí xong tựa như sự thu nhỏ của 3 thế giới: thiên đường, dương gian và địa ngục. 

Riêng lễ vật “Bai-bach-ta-bô” thì được đặt trong một chiếc thố nhỏ có nắp đậy (giống chiếc hồ lô), Trên nắp, ngoài những cờ phướng được trang trí, người ta còn cắm thêm 5 nén hương, có ghim vào đó một chiếc lá trầu tươi xếp đối lại. Sau cùng chiếc thố “Bai-bach-ta-bô” này lại được đặt trong một cái khay hay một cái tráp vuông nhỏ, bên trong chứa nhiều thứ lễ vật khác nữa như: khoai, thuốc lá,... Như vậy, mỗi gia đình ngoài những lễ vật thông thường phải có ít nhất hai loại lễ vật quan trọng đem dâng cúng chùa tại buổi lễ Đôn-Ta, đó là lễ vật “Bai banh” và “Bai-bach-ta-bổ”. Các thứ lễ vật này sẽ được bà con mang lên chùa, vào chánh điện, đặt lên bàn thờ Phật để thực hiện nghi thức. 

Có thể nói từng khay cơm “Bai-bach-ta-bô” và “Bai-banh”, với nhiều dáng vẻ khác nhau được bài trí lô nhô trên khắp bề mặt của bệ thờ trong Chánh điện, trông như một quần thể kiến trúc tiêu biểu nào đó, đẹp lạ thường. Và cảnh tượng này càng lung linh, huyền ảo hơn khi nó được đặt sau một “bức màn” khói trắng, toát lên từ những cây nhang hòa tan trong ánh lửa đang cháy từ những ngọn nến. Kết thúc mọi thủ tục dâng lễ vật, bà con sẽ tiến hành nghi lễ bái Tam bảo, sau đó thỉnh mời nhà sư tụng kinh cầu siêu và đặc biệt đọc bài kinh “Pa-ra-pắ-wắ-sốt” hay đúng hơn là lời thuyết giảng của đức Phật xoay quanh 38 vấn đề về sự sinh tồn và diệt vong của tất cả các sự vật hiện tượng có ở trên thế gian, mà khi Ngài còn tại thế các vị thần Tê-vô- đa đã chất vấn Ngài. 

Tiếng cầu kinh vang lên giữa đêm khuya vắng lặng, trong khoảng không im ả của hội trường Chánh điện, được phát ra từ sự tĩnh tâm của các tín đồ và chư tăng nghe như những lời kêu cứu, van lơn, cầu xin đức Phật, mong Ngài hãy mở rộng cánh cửa từ bi mà cứu độ cho những chúng sinh đã mắc phải những tội lỗi, đang sống bơ vơ trên cõi trần để sớm được siêu thoát. Khi mặt trời chuẩn bị ửng hồng ở phía đằng Đông, các vị sư sẽ rời khỏi Chánh điện, mọi người sẽ mang khay cơm “Bai-banh” và “Bai- bach- ta- bô” của mình đi ra ngoài hành lang Chánh điện để cúng cho những linh hồn quá vãng. Bà con Phật tử cầm từng vắt cơm “Bai-banh” đã được “thiêng hóa” đặt xuống đất, miệng khấn thầm vài câu cúng cho những thân nhân quá cố hay cho các loài ma quỷ không có họ hàng thân tộc. Từng vắt cơm “Bai-banh” lổm chổm trên mặt đất như đang hấp thụ nguồn sinh khí từ tầng trời ban xuống cho đất nhằm giúp cho các vong linh khi ăn vào sẽ được no nê, hài lòng mà không quấy rầy, làm hại cuộc sống bình yên của con người trên trần gian. Thực hiện xong nghi thức cúng cơm “Bai-banh”, bà con sẽ tập trung vào ngôi Sala để làm lễ dâng hai bữa cơm sáng, trưa cho các vị chư tăng. Người ta hy vọng rằng, những thức ăn này sau khi được các vị sư dùng, nó sẽ được chuyển tải đến bầy ma quỷ, đến những vong linh của tổ tiên đã khuất. Và, đây chính là dịp quan trọng nhất để con người bày tỏ lòng hiếu thảo, những nghĩa cử tốt đẹp của mình trong cách xử thế giữa người và người với nhau (đặc biệt là giữa người đang sống và người đã chết). . . . 

Đặc biệt vào buổi xế chiều, tại từng gia đình trong phum sóc người ta sẽ bày mâm cỗ, tiến hành thực hiện nghi thức dâng cơm cho ông bà tổ tiên. Đây là thời khắc thiêng liêng nhất của gia đình người Khmer. Bởi lẽ, nghi lễ cúng này sẽ không bao giờ vắng mặt của bất kỳ thành viên nào trong gia đình, đó là thời điểm “sum họp” thật sự của mọi thành viên trong họ tộc. Và, để kết thúc buổi lễ Đôn-Ta sao cho có ý nghĩa, vào sáng hôm sau (sau khi đã kết thúc buổi lễ Đôn-Ta), tại từng gia đình, người ta tập trung làm một nghi lễ “tống tiễn tổ tiên trở về thế giới bên kia”. Tại đây, bà con cũng bày ra đủ các thứ lễ vật như 2 hôm trước khi tổ chức cúng tổ tiên. Song, quan trọng hơn là người ta làm thêm một cái bè nhỏ, dài khoảng 30cm, rộng khoảng 10 - 15cm bằng thân cây chuối. Sau đó dùng bẹ và lá chuối để trang trí sao cho ra hình thù một chiếc thuyền buồm như thời cổ. Bên trong chứa đủ các thứ đồ dùng, vật dụng trong sinh hoạt hằng ngày như: gạo, muối, củi, thức ăn... để làm phương tiện cho linh hồn của tổ tiên sau một thời gian “xâm nhập” thế giới con người trở lại thế giới bên kia một cách an toàn. Thực hiện xong nghi thức, người ta bê chiếc thuyền đến một con sông hay ao hồ, kênh rạch nào đó, gần khu vực nhà ở của mình, rồi thả nó trôi theo dòng nước. Những chiếc cờ phướng nhỏ phấp phới, tung bay như những cánh tay của hương hồn tổ tiên đang vẫy chào giã biệt người trần để đi về cõi âm linh. 

“Chiếc thuyền” khi đã làm lễ xong sẽ được cắm lên đó nhiều nén nhang nghi ngút khói. Cùng với hướng gió, chiếc thuyền cứ trôi đi, xa dần và như rất xa về một cõi vô biên nào đó, để lại sau lưng nó một sự tiếc thương vô hạn và sự cảm thông sâu sắc của con người đối với tổ tiên của mình sau một năm trời. Thả xong chiếc thuyền xuống dòng nước, người ta phân phát cho vài thành viên trong nhà những vắt cơm “Bai-banh” để đem ra đồng cúng cho các thần linh đã có công trông coi ruộng lúa, nương rẫy; đã giúp cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Đến lúc này, lễ Đôn-ta mới thật sự kết thúc, và người ta tin rằng, lễ đã mang lại niềm vui, hạnh phúc và sự an lạc trong cuộc sống của từng gia đình và cộng đồng./.

                                                                                                                                                                                                                        ThS. Hứa Sa Ni

Từ khóa: