CƠ SỞ TÍN NGƯỠNG VÀ LỄ VÍA ÔNG BỔN CỦA NGƯỜI HOA TỈNH SÓC TRĂNG
CƠ SỞ TÍN NGƯỠNG VÀ LỄ VÍA ÔNG BỔN CỦA NGƯỜI HOA TỈNH SÓC TRĂNG
TS. Nguyễn Thị Nguyệt
Tóm tắt:
Người Hoa là một trong những tộc người thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng. Cũng giống như người Hoa Nam Bộ, người Hoa Sóc Trăng thờ cúng các vị thần linh trong cộng đồng tại các miếu, cung chủ yếu là Thiên Hậu, Quan Thánh đặc biệt Ông Bổn, Tam Sơn Quốc Vương cùng nhiều thần linh khác. Tuy nhiên, đối với từng nhóm phương ngữ lại có những thờ cúng đặc trưng với từng đối tượng tín ngưỡng. Người Hoa Sóc Trăng có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú với tín ngưỡng cộng đồng và tín ngưỡng thờ cúng trong gia đình.
Bài viết giới thiệu khái quát một số cơ sở tín ngưỡng và lễ vía Ông Bổn của người Hoa tỉnh Sóc Trăng thể hiện tinh thần bảo tồn gìn giữ văn hóa người Hoa trong giai đoạn hiện nay.
* * *
Sóc Trăng là một tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ, là một trong những địa phương có số lượng người Hoa sống tương đối tập trung tại các địa phương như: thị xã Vĩnh Châu; huyện Mỹ Xuyên; thành phố Sóc Trăng… Theo số liệu thống kê năm 2009, người Hoa ở tỉnh Sóc Trăng là 64.910 (sau thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai). Người Hoa tỉnh Sóc Trăng chủ yếu là người Triều Châu, còn gọi là Tiều sống chủ yếu bằng nghề nông trồng lúa, khoai, bắp, hoa màu (rau xanh, hành, hẹ…). Cũng như người Hoa ở các tỉnh, thành khác ở Nam Bộ, người Hoa Sóc Trăng có đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú với tín ngưỡng cộng đồng và tín ngưỡng thờ cúng trong gia đình. Phạm vi bài viết này xin đề cập đến sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng và lễ vía Ông Bổn qua thực tế khảo sát tại tỉnh Sóc Trăng.
1. Cơ sở tín ngưỡng cộng đồng
Cũng giống như người Hoa Nam Bộ, người Hoa Sóc Trăng thờ cúng các vị thần linh trong cộng đồng tại các miếu, cung chủ yếu là Thiên Hậu, Quan Thánh đặc biệt Ông Bổn, Tam Sơn Quốc Vương cùng nhiều thần linh khác. Tuy nhiên, đối với từng nhóm phương ngữ lại có những thờ cúng đặc trưng với từng đối tượng tín ngưỡng. Dưới đây là một số cơ sở tín ngưỡng và lễ vía Ông Bổn của người Hoa tỉnh Sóc Trăng.
1.1. Thiên Hậu Cổ miếu của người Hoa Triều Châu huyện Mỹ Xuyên
Đây là một trong những cơ sở tín ngưỡng thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu có qui mô khá lớn ở huyện Mỹ Xuyên. Miếu có kiến trúc tiêu biểu đặc trưng miếu của người Hoa Triều Châu với mái cong hình thuyền. Chánh điện miếu thờ bà Thiên Hậu, phối tự Quan Thánh Đế Quân và Quan Âm bồ tát, ngoài ra còn có Bắc Đẩu Tinh quân, Nam Tào tinh quân, Địa chủ Tài thần…
Chánh điện miếu trang trí dày đặc những đèn lồng đỏ rực rỡ cả không gian miếu. Bên trong miếu trang trí điêu khắc các đề tài phong phú truyền thống mỹ thuật Trung Hoa như: lân hí cầu, nho - sóc (hoặc sóc- giác), cúc- điểu, bát tiên, hoa văn dây lá cách điệu, hoa trái đào…. Đặc biệt là các loài thủy tộc phù hợp môi trường vùng sông nước Tây Nam Bộ như tôm, cua, cá rất ấn tượng… Các mảng phù điêu trong miếu cũng sinh động không kém. Những bức vẽ điển tích Tam Quốc chí, đào viên kết nghĩa… Ấn tượng về kiến trúc mỹ thuật là những mảng đầu đao, đòn dông rui mè với góc chồng nóc hình móng rồng. Tất cả được sơn phết màu sắc sặc sỡ, nổi bật các họa tiết trang trí.
Không chỉ nội thất, bên ngoài miếu cũng trang trí kiến trúc khá đặc trưng. Giữa nóc miếu là mỹ thuật đắp gốm, phù điêu rồng chầu nhật nguyệt, cá hóa long, ông Nhật bà Nguyệt và hoa văn dây lá cúc cách điệu tương tự đình, miếu người Việt.
1.2. Thiên Hậu miếu của người Hoa Quảng Đông huyện Mỹ Xuyên
Thiên Hậu miếu là một trong hai cơ sở tín ngưỡng thờ Thiên Hậu của người Hoa huyện Mỹ Xuyên. Đây là cơ sở tín ngưỡng của người Hoa nhóm Quảng Đông. Kiến trúc hai đầu hồi uốn lượn giựt sóng trông rất mềm mại, trên đỉnh nóc gắn cặp rồng chầu trái châu, bên dưới là quần thể tiểu tượng gốm nhỏ chi chít điển tích Trung Hoa; hai đầu gắn tượng ông Nhật bà Nguyệt, phụng hàm thư gốm men màu xanh lục đậu là chủ đạo giống sản phẩm gốm Cây Mai ở các miếu người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Mặt tiền miếu gắn gạch đỏ nên trông có vẻ cổ kính. Phía trước bên cạnh có am nhỏ thờ Cổ Thạch thần biểu hiện giao lưu tín ngưỡng thờ Neak Tà của người Khmer.
Tiền điện thờ Phước Đức Chính thần, giữa thờ Thiên Hậu, hai bên thờ Quan Thánh Đế Quân và Tài Bạch Tinh Quân, dưới nền đặt khám thờ Ngũ phương Ngũ Thổ long thần. Hai bên hông miếu thờ Thanh Long và Bạch Hổ. Đặc biệt bàn nghi trước chánh điện thờ bộ xương cá đao1 (bộ ba: một lớn, hai nhỏ) trùm vải đỏ được xem là linh vật khá đặc trưng của cư dân miền Tây Nam Bộ trong tín ngưỡng thờ Nam Hải Tướng quân. Trước cửa gian trung điện treo bức lâu thuyền bằng gỗ sơn thếp vàng điển tích Trung Hoa với tiên cảnh người trên long thuyền vượt trùng khơi. Kiến trúc bộ vì kèo, con sơn, rui mè gỗ sơn son, chồng nóc hình con dơi, hoa văn trái đào, lê lựu… đặc trưng kiến trúc mỹ thuật Trung Hoa.
1.3. Phước Hưng cổ miếu thị xã Vĩnh Châu
Phước Hưng cổ miếu có kiến trúc đặc trưng của miếu người Hoa Nam Bộ với các gian tiền điện, trung điện và chánh điện. Cột kiểu long trụ, rồng uốn quanh cột tròn. Nóc miếu gắn phù điêu rồng chầu hồ lô trên hoa sen, tượng cá hóa long và lân hí cầu; phù điêu đào, lựu; song phụng chầu hoa cúc; vẽ trang trí cúc trĩ, hoa văn dây lá...
Chánh điện Phước Hưng cổ miếu thờ bộ ba tượng Tam Sơn Quốc Vương ngồi trên ngai rất uy nghi ở ba tư thế khác nhau (nhìn từ trong ra): tượng giữa (râu đen) cầm kiếm chĩa qua trái, tượng trái (râu đen) cầm kiếm chĩa qua phải, tượng phải (râu trắng) mũi kiếm chĩa thẵng đứng lên trên. Hai bên tường có phù điêu Thanh Long và Bạch Hổ. Phía bên trên tường có các phù điêu điển tích Trung Hoa, Tam Quốc diễn nghĩa. Bàn nghi trước bàn thờ đặt giỏ thờ bằng mây tre có quai xách có nắp đậy đề chữ Hán “Tam Sơn Quốc Vương”, xung quanh giắt linh vật (nhang, cờ lệnh, gương, quạt, giấy vàng bạc...) để phục vụ cho các kỳ lễ cúng của miếu.
1.4. Thanh Minh Cung thị xã Vĩnh Châu
Thanh Minh cung hay còn gọi là Thanh Minh Cổ miếu là một trong những cơ sở tín ngưỡng tiêu biểu của người Hoa Triều Châu thị xã Vĩnh Châu. Kiến trúc thể hiện đặc trưng của miếu Triều Châu với nóc mái cong võng hình thuyền gồm một dãy nhà ngang chánh điện và hai chái hai dọc hai bên. Giữa đỉnh gắn phù điêu lưỡng long chầu hồ lô và hoa văn dây lá cúc cách điệu. Giữa hai bức tường trước tiền điện hai bên trang trí hình Thanh Long và Bạch Hổ trong vòng tròn. Cột kiểu long trụ hình rồng uốn quanh. Trước sân có cặp tượng lân hí cầu sơn màu sắc sặc sỡ gọi là “Nhị lân quản ngõ”. Các bức bích họa, tranh cổ vẽ trên gỗ là các tích truyện Tam Quốc Chí, Phong Thần, Lý Bạch say rượu, Tiên Ông hóa sơn dương…
Chánh điện được kiến trúc bởi những hàng cột tròn bằng xi măng đắp nổi rồng kiểu long trụ sơn nhiều màu sặc sỡ. Tại mỗi gian đều đặt bàn thờ đầy đủ nhang, đèn và lễ vật. Giữa chánh điện thờ Huyền Thiên Thượng Đế, hai bên thờ Tam Sơn Quốc Vương và Bổn Công Công (râu trắng) tay đặt khoan thai trên gối. Ông Bổn ở đây là Trịnh Hòa - vị quan triều Minh (thế kỷ XIV), khác với Ông Bổn ở thành phố Sóc Trăng thờ ông Trịnh Ấn (tức “Cảm Thiên Đại Đế” làm vị phúc thần2. Tượng Huyền Thiên Thượng Đế được thể hiện một người ngồi trên ngai tay cầm gươm chống thẳng xuống đất giữa hai chân; còn Tam Sơn Quốc Vương là người ngồi trên ngai tay cầm kiếm đưa vuông góc ra phía trước.
Miếu được trang trí bởi nhiều mảng phù điêu bằng gỗ với các hoa văn dây lá cách điệu, các loại động vật cả trên đất lẫn dưới nước như: tôm, cua cắp cá với rong biển, lân sư, điểu cúc, nai, ngựa. Đặc biệt cua được tạo hình chủ đạo trên đầu vì kèo với tư thế sấp và ngửa biểu tượng của âm dương được tô màu nâu và đen giống hun khói tạo màu tự nhiên trên gỗ.
1.5. Miếu Thiên Hậu tại thị xã Vĩnh Châu
Miếu nằm trong khuôn viên thuộc trường THCS dân lập Bồi Thanh khu 4, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Miếu có kiến trúc hình chữ nhị gồm tiền điện và hậu điện, nối nhau bằng một không gian thiên tỉnh hình vuông. Mái ngói màu xanh, cột tròn kiểu long trụ. Đỉnh nóc gắn tượng gốm lưỡng long hồ lô. Hai đầu hồi gắn tượng gốm lân hí cầu. Trước sân rộng cũng bài trí hai tượng lân hí cầu khá lớn sơn thếp màu vàng đồng gọi là “Nhị lân quản ngõ”.
Trước mặt tường có hai vòng tròn hình Thanh Long và Bạch Hổ. Trên vách tường và các mảng trang trí các phù điêu và bức họa sơn màu sắc sặc sỡ điển tích phúc lộc thọ, thập bát La Hán, sơn thủy, cúc điểu, liên áp, công cúc. Đặc biệt hai bên thanh đà ngang trước tiền điện ttrang trí khá nhiều họa tiết, trong đó có họa tiết động vật thủy sản như: cua cá cụ thể hai càng cua một bên cầm bút một bên cầm mũ quan; với nghĩa con cua (khoa giáp) biểu tượng của đỗ đạt khoa bảng3; bên kia con khác hai càng cắp cành hoa mai và bình hoa huệ đỏ ý nghĩa của may mắn và bình an; ngoài ra còn có các đề tài trang trí trúc tước, đào, mai điểu… tượng trưng cho mùa xuân… phần rui mè gắn với đà ngang hình móng rồng vẽ trang trí hình chữ thọ, biểu trưng cho sự trường thọ.
Mỹ thuật trang trí miếu Thiên Hậu khá đặc sắc và ấn tượng với các mảng phù điêu trang trí khá sắc xảo, công phu và đầy ý nghĩa. Qua khỏi tiền điện, bước vào sân thiên tĩnh người tham quan luôn bị thu hút bởi các hạng mục trang trí mỹ thuật đầy ấn tượng. Từng gian lại là một không gian mỹ thuật độc đáo: sân thiên tĩnh được trang trí bởi bao lam chạm thủng đề tài lưỡng phụng chầu ngọc, xung quanh có điểm các hoa hồng. Tiếp đến là các bao lam hình bát tiên cưỡi hổ, sư tử, ngựa xen lẫn họa tiết mây. Trong cùng là bao lam hình long xung quanh là hình vân mây. Các cột tròn kiểu long trụ hình rồng uốn quanh khá ấn tượng và đẹp mắt.
Chánh điện thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Tiên Sư hậu thánh và Quan Thánh Đế Quân. Đặc biệt bàn nghi trước chánh điện có cặp xương cá đao khá cổ kính, biểu tượng của Nam Hải Tướng Quân khá phổ biến của tín ngưỡng cư dân vùng biển và sông nước. Xung quanh chánh điện còn treo nhiều đèn lồng đủ kiểu trải qua màu thời gian đặc trưng văn hóa vật thể lâu đời trong sinh hoạt tín ngưỡng người Hoa.
2. Lễ vía Ông Bổn
Hàng năm, cứ đến ngày 24 tháng hai âm lịch người Hoa Triều Châu lại tổ chức lễ vía Ông Bổn là một trong những lễ hội lớn của người Hoa Triều Châu thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Chuẩn bị lễ cúng, Ban tổ chức tập trung tại miếu Thiên Hậu khu 4, thị xã Vĩnh Châu là một trong hai cơ sở tín ngưỡng của người Hoa Triều Châu trong cùng địa bàn. Trước tiên là phần thi lễ của đội lân sư rồng vào bên trong chánh điện thắp nhang xin bà Thiên Hậu và các thần phù hộ cho công việc được thuận lợi. Đoàn lân trở ra bắt đầu làm nhiệm vụ đánh trống múa lân tạo không khí sôi nổi cho lễ hội.
Những linh vật trong lễ hội như: giỏ cúng bằng mây ghi chữ Hán “Huyền Thiên Thượng Đế”, “Tam Sơn Quốc Vương” giắt các linh vật như cờ lệnh, nhang, giấy vàng bạc, quạt, gương, ấn triện…; kiệu thầy cúng giắt các lưỡi dao ngửa lưỡi.… Tô nước có chùm bông giấy và hoa dâm bụt để rẩy nước thanh tẩy khu vực cúng lễ (khắc hẳn với ngươi Hoa vùng Đông Nam Bộ đạo sĩ dùng lá bưởi để rẩy); bộ quần áo thầy cúng màu vàng xếp gọn đặt sẵn trên bàn cúng. Ngoài ra, trên bàn cúng còn một dĩa gạo đầy và hai cây đèn cầy đốt cháy sáng.
Vào lễ, một người được mời chủ trì bắt đầu đứng đọc chú nguyện, tập trung để nhập thân vào vai thầy cúng. Trong lúc nhập vai lẩm nhẩm đọc tới đâu thì người ta làm theo tới đó. Họ mặc trang phục cho thầy cúng tuần tự từ quần áo đến dây cột đầu, giắt vài cây nhang trên đỉnh đầu, đến lúc này coi như Ông đã nhập xác phán bảo để chủ trì toàn thể buổi lễ. Sau những lời chú, bấm độn trên ngón tay và viết ra giấy, đóng ấn, Ban tổ chức bắt đầu thực hành những nội dung công việc theo thầy cúng chủ trì lễ này cho đến hết.
Từ trong chánh điện, thầy cúng sau khi nhập thân vào vai “Ông” linh thiêng huyền bí bắt đầu cầm vài cây nhang, một chiếc quạt, một chiếc gương, một tay ôm cờ lệnh mắt lim dim đi ra ngoài sân, hai bên có người dìu trước sự chen chúc, hiếu kỳ của đông đảo người tham dự và đi xem lễ hội. Hai người đi hai bên thầy cúng bưng tô nước và dĩa gạo muối để phục vụ thầy cúng. Tới trước sân thầy cúng đọc lời khấn, rẩy nước và tung gạo nhằm thanh tẩy vùng đất để thần linh về dự lễ.
Sau những câu đọc thần chú, thầy cúng vừa đi vùa lắc lư và được dìu ra phía trước miếu Thiên Hậu rảy nước thanh tẩy vùng đất, thắp nhang đi nhún nhảy xoay cúng nhiều vòng. Cao trào thầy cúng giơ cao kiếm, thè lưỡi nhanh tay rạch một đường dọc trên lưỡi mình, sau đó đi trở vào chánh điện cầm từng xấp giấy bùa liếm trên lưỡi và cứ thế hàng trăm lá bùa màu vàng in dấu sổ dọc màu máu đỏ tươi được Ban tổ chức dùng để dán trong các miếu và phát cho bá tánh dự lễ đem về nhà dán cầu phước cho gia đình.
Sau phần thỉnh vẽ bùa bằng máu thầy cúng còn thực hiện động tác xiên lình, tức dùng kim nhọn xỏ qua hai bên má trong sự ngạc nhiên và thán phục của mọi người. Kết thúc động tác đó thầy cúng ra ngoài bước lên kiệu và bắt đầu cuộc rước Ông về Thanh Minh Cung. Một điều lạ là mặc dù thực hiện ở Thiên Hậu Cổ miếu xong hầu hết những người được hỏi kể cả Ban tổ chức và những người dân địa phương đều cho rằng “Ông” đã về và nhập xác vào thầy cúng nên mới có khả năng làm được những điều khác thường như vậy. Khi tìm hiểu “Ông” là ai, đa số những người được hỏi đều trả lời là Ông Bổn hoặc Tam Sơn Quốc Vương mà chưa có sự thống nhất.
Cũng có năm Ban tổ chức còn mời thêm một số thầy pháp hay những người có khả năng tu luyện để ông nhập xác và biểu diễn những trò ma thuật đầy tính shaman như: đi trên than, đi trên bàn chông, đi trên thang dao… để thu hút sự hiếu kỳ cũng như thể hiện sự linh thiêng huyền bí của tín ngưỡng dân gian còn nhiều điều bí ẩn mà con người chưa thể giải thích được. Những hiện tượng này có phần giống với nghi thức lên đồng hầu của các thanh đồng về Hội đồng Thánh Trần4.
Bao giờ cũng vậy, người Hoa Triều Châu tổ chức phần lễ thỉnh mời Ông tại miếu Thiên Hậu với sự tham gia của thầy cúng chính, thực hiện một số nghi thức trình báo; sau đó thỉnh thầy và một số tướng binh của thầy trên các kiệu rước đi từ miếu Thiên Hậu vòng qua khu dân cư, qua chợ và về Thanh Minh Cung hoàn tất lễ thỉnh thần.
Nghi thức chiêu thỉnh thần luôn thu hút đông đảo người xem vì trong nghi lễ thầy cúng chủ trì thường được mọi người cho rằng “Ông” đã nhập về và có thể thực hiện những hành vi dị thường mà bình thường không ai có thể làm được. Khi Ông nhập xác, thầy cúng sẽ run rẩy đứng lắc lư, mắt nhắm lim dim và đọc những lời chú nguyện. Ban tổ chức sẽ theo những chỉ dẫn của thầy cúng phán lúc đó để chuẩn bị những lễ vật hay nghi vật để thầy cúng thực hiện…
Sau khi thực hiện những nghi thức như chiêu thỉnh thần, thỉnh Ông, mọi người thắp nhang các bàn thờ trong miếu Thiên Hậu và bắt đầu cuộc rước trở ra Thanh Minh Cung. Đoàn người đông đảo với đầy đủ cờ hội bắt đầu tham gia cuộc rước, tiếp đến là các đoàn lân sư rồng, các đội khiêng nhạc cụ khánh, trống… Cuối cùng là các kiệu của thầy cúng và những tướng lĩnh của thần. Phần rước được xem như phần hội thu hút đông đảo người xem, kể cả người Hoa lẫn người Việt, người Khmer ở trong vùng.
Lễ vật cúng chay buổi sáng đặt trên các bàn thờ gồm: nấm mèo, tàu hũ ki, bún khô, bánh kẹo, giấy vàng bạc, trái cây, nhang đèn… tại miếu Thiên Hậu và Thanh Minh Cung. Các bàn thờ bài trí với các dĩa riêng biệt như: trái cây, kẹo đậu phộng, giấy vàng bạc xếp hình cánh hoa và ba chung trà.
Buổi tối, lễ cúng mặn diễn ra, Ban tổ chức sắp sẵn một con heo đã làm thịt để sống nguyên con đặt trên bàn chông. Trên lưng đặt một dĩa huyết heo, đầu heo bao kín bởi màng bọc của mỡ chài, giữa hai vai cắm một con dao nhỏ, miệng heo ngậm một trái quýt. Dưới bàn chông đầu heo đặt mâm nội tạng của heo đã luộc chín gồm gan, tim, phổi, ruột non… tượng trưng cho sự đầy đủ của một con heo dâng cúng thần linh.
Giữa trung điện và chánh điện, người ta bày chật kín cả không gian những bàn lễ vật cúng của bá tánh. Lễ vật gửi cúng được bọc riêng rẽ thành từng phần do gia đình đem đến bỏ vào giỏ hoặc đĩa, khay hoặc túi. Lễ vật chủ yếu là trái cây và bánh như: xoài, đu đủ, mãng cầu ta, nho, bom táo, chuối, cam, quýt, thanh long, hồng, bánh tét, bánh bông lan, bánh bò, dưa hấu, bánh bao, bánh pía, bánh kem… Những phần lộc cúng sẽ được gia đình gửi chùa cúng, Ban tổ chức đặt phiếu ghi số của từng gia đình vào phần lễ gửi tại chùa, đồng thời gửi lại người nhà một phiếu có số tương ứng. Sau đó người nhà tới thắp nhang trước bàn thờ chính điện và các bàn thờ dâng những lời nguyện xin đến thần linh qua lễ vật đã dâng cúng.
Sáng hôm sau lễ tất, gia đình đem phiếu của mình đến đối chiếu lấy phần lễ về nhà coi như lộc đã được thần linh ban phước may mắn trong đó để mọi người cùng dự hưởng lộc thần. Đây cũng là một trong những biến đổi khá linh hoạt của người Hoa Triều Châu huyện Vĩnh Châu Tỉnh Sóc Trăng trong việc dâng lộc và xin lộc của thần linh trong lễ hội vía Ông Bổn tại Thanh Minh Cổ miếu.
Ngoài sân, phần hội được diễn ra với chương trình ca nhạc bằng tiếng Tiều của ban nhạc với các nhạc cụ như: đàn tam thập lục, nhị, đàn gáo, thanh la, sáo, kèn, trống, chập chõa… Phần hát được biểu diễn đơn ca hoặc song ca chủ yếu là phụ nữ hát đối đáp với những điển tích cổ về âm nhạc Triểu Châu. Bên cạnh đó, còn có hội thi viết thư pháp bằng chữ Hán thu hút nhiều người tham gia sôi nổi hứng thú mang đậm bản sắc văn hóa người Hoa. Những bài thơ hoặc phần câu đối hay hợp lý được người xem tán thưởng bằng những tiếng vỗ tay rất vui nhộn và hào hứng.
3. Một vài nhận định
3.1. Cơ sở tín ngưỡng dân gian người Hoa ở Sóc Trăng khá đa dạng về loại hình, từ miếu thờ Thiên Hậu đến miếu thờ Quan Thánh Đế Quân, Ông Bổn, Huyền Thiên Thượng Đế, Tam Sơn Quốc Vương… thể hiện việc bảo tồn tín ngưỡng truyền thống của người Hoa khi định cư ở vùng đất mới Nam Bộ.
3.2. Trang trí trên các miếu người Hoa ở Sóc Trăng khá đặc sắc, có giá trị mỹ thuật độc đáo; chủ yếu là các phù điêu trên gỗ, đá, xi măng được sơn màu khá đẹp mắt, ấn tượng. Đề tài trang trí rất đa dạng: từ động vật trên đất liền, đến sông nước như: nai, ngựa, lân, tôm cua, cá, các đề tài mỹ thuật truyền thống Trung Hoa như: liên áp, mai điểu, trúc tước, cúc điểu, công cúc, đào lựu, hoa hồng, bát tiên, Tam quốc diễn nghĩa, sơn thủy… Đặc biệt mô típ trang trí tổ hợp thủy tộc (tôm, cua, cá) thể hiện đặc trưng trong trang trí miếu người Hoa ở đồng bằng sông Cửu Long khá khác biệt với miếu ở miền Đông Nam Bộ. Mô típ trang trí tổ hợp thủy tộc trên miếu Hoa Triều Châu được cho là “hóa thạch văn hóa” ẩn khuất trong tâm thức người Hoa vốn đã có vùng biển ở Hoa Nam, Đài Loan mang tính tiểu vùng (Phúc Kiến, Triều Châu) được người Hoa Triều Châu thể hiện ở vùng đất mới có môi trường sông nước tương ứng như Tây Nam Bộ5.
3.3. Kiến trúc miếu cũng thể hiện đặc trưng của từng nhóm người Hoa ở Nam Bộ. Kiến trúc của Triều Châu với mái cong hình thuyền; kiến trúc của Quảng Đông thì gắn chi chít tiểu tượng gốm và hai đầu đao uốn lượn cong tròn trông rất mềm mại.
3.4. Ngoài đối tượng thờ chính, trên bàn nghi trước chánh điện các miếu Hoa thường thấy có linh vật là xương cá đao, đây là đặc trưng khá tiêu biểu thể hiện sự ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ cúng Nam Hải Tướng Quân (đôi khi đồng nhất với Cá Ông, Cá Voi) của cư dân sông nước Nam Bộ.
3.5. Trong nghi lễ cúng tại các miếu người Hoa thường có những trò ma thuật dị thường mang tính chất của shaman giáo như: rạch lưỡi, xiên lình, đi trên than, đi trên bàn chông, đi trên lưỡi dao… mà bình thường họ khó có thể làm được. Một số ma thuật tương ứng với việc đi trên than nóng, thượng sơn đao trong lễ Tả Tài phán của nhóm người Hoa Quảng Ninh tại Đồng Nai. Đây cũng là những điều bí ẩn mà chỉ có thể giải thích bằng niềm tin và những yếu tố ma thuật trong tín ngưỡng dân gian.
3.6. Lễ cúng Ông Bổn nhưng việc mời gọi thần linh và nhập xác lại diễn ra ở miếu Bà Thiên Hậu cho thấy có sự chuyển hóa chức năng hay sự chuyển giao liên kết giữa hai miếu trong cùng một địa phương để Ban tổ chức dễ thực hiện liên hoàn.
3.7. Lễ hội dân gian của người Hoa tỉnh Sóc Trăng còn bảo lưu được nhiều yếu tố lễ và hội truyền thống. Phần hội có sự tham gia biểu diễn của nghệ thuật hát Tiều. Lộc cúng được thay đổi bằng cách mỗi người tự đem đến miếu, Ban Tổ chức sẽ đánh dấu bằng phiếu theo số thứ tự, giao cho gia đình một phiếu tương tự để hôm sau có thể đem phiếu đến nhận lộc về nhà. Đây cũng là một trong những biểu hiện của xã hội hóa rất phù hợp theo nhu cầu của gia đình tạo thuận lợi cho Ban Tổ chức trong việc tổ chức lễ hội thời kỳ hội nhập hiện nay.
Tóm lại, cơ sở tín ngưỡng và lễ hội Ông Bổn là những những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của cộng đồng người Hoa tại tỉnh Sóc Trăng. Những di sản này đã và đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá tiêu biểu của đồng bào người Hoa ở Nam Bộ nói chung và người Hoa Tây Nam Bộ nói riêng trong bối cảnh giao lưu, hội nhập văn hóa với các dân tộc./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Nguyệt (2015), Tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở Đồng Nai, Luận án Tiến sĩ Văn hóa dân gian, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
2. Nguyễn Ngọc Thơ (2016), Tín ngưỡng Thiên Hậu vùng Tây Nam Bộ (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.
3. http://www.soctrang.gov.vn/wps/portal/tuyengiao/
4. https://vi.wikipedia.org/wiki/Lên_đồng.
5. https://vi.wikipedia.org/wiki/Cá_đao_
1 Theo từ điển mở Wikipedia, Cá đao, theo nghĩa tiếng Việt có nhiều nghĩa: có thể là tên gọi chung của một bộ cá thuộc lớp cá sụn, có quan hệ họ hàng gần với cá mập, cá đuối; cũng là tên gọi khác của cá dựa (hay cá lanh) và đôi khi là tên gọi không chính xác của cá kiếm (hay cá mũi kiếm). Dẫn theo https://vi.wikipedia.org/wiki/Cá_đao_)
2 http://www.soctrang.gov.vn/wps/portal/tuyengiao/
3 Theo cách giải thích từ nguyên, cua có bộ mai, tiếng Hán gọi là xác giáp, gần âm với khoa giáp, tức đỗ đạt khoa bảng. Dẫn theo Nguyễn Ngọc Thơ (2016), Tín ngưỡng Thiên Hậu vùng Tây Nam Bộ (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 273.
4 https://vi.wikipedia.org/wiki/Lên_đồng.
5 Nguyễn Ngọc Thơ (2016), Tín ngưỡng Thiên Hậu vùng Tây Nam Bộ (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 273- 274.
-
07072021
-
07072021
-
07072021
-
21012019