Sách ảnh Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai
Một trong những ấn phẩm văn hóa nhân dịp kỷ niệm 320 năm Biên Hòa- Đồng Nai hình thành và phát triển là sách “Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đổng Nai” do PGS.TS. Huỳnh Văn Tới chủ biên, nhà xuất bản Đồng Nai phát hành.
Qua 320 năm hình thành và phát triển, vùng đất Đồng Nai là nơi hội tụ của nhiều dân tộc sinh sống. Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, thì Đồng Nai hiện có 36 dân tộc sinh sống tập trung có dân số đông như: Chơro, Mạ, Stiêng, Cơho, Hoa, Chăm, Khmer, Tày, Nùng, Mường... Các dân tộc sinh sống lâu đời như: Chơro, Mạ, Stiêng, Cơho, còn được gọi là dân tộc bản địa hay dân tộc tại chỗ. Các dân tộc bản địa định cư ở các địa bàn có địa hình đồi núi, rừng sâu trong tỉnh như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu. Thời kỳ khai phá, người Việt sớm có mặt ở vùng đất cổ như: cù lao Phố, Bến Cá, Bến Gỗ, Đồng Môn… Sau đó, người Hoa từ Trung Quốc di cư đến cùng với người Việt khai phá, định cư, phát triển kinh tế ở Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Long Khánh… Từ năm 1954 đến 1975, một số dân tộc từ miền Bắc và nơi khác ở Nam bộ đến như: Khmer, Chăm, Tày, Nùng, Mường, Thái, Dao, HMông… họ định cư ở các vùng nông thôn là chủ yếu. Còn lại, một số ít ở vùng Biên Hòa (người Hoa) và rải rác ở khắp nơi trong tỉnh.
Một góc làng người Khmer ở Biên Hòa xưa (nay thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước) - 1932
Hơn ba thế kỷ qua, người Việt (tộc người chủ thể) và các dân tộc thiểu số hình thành cộng đồng các dân tộc ở Đồng Nai, cùng nhau xây dựng, phát triển vùng đất Đồng Nai với nhiều đặc trưng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Kho tàng văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai tiêu biểu, điển hình như: trang phục, ẩm thực, sinh hoạt lao động sản xuất, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội, văn học dân gian… hình thành trong đời sống hoặc được phát huy bảo tồn ở quê hương mới. Những đặc trưng văn hóa dân tộc về tín ngưỡng lễ hội như: tín ngưỡng thờ đa thần, lễ hội Sayangva của người Chơro, lễ hội cúng lúa mới của người Mạ, Cơ ho, Stiêng, lễ hội cúng trăng Ok Om Bok của người Khmer, lễ hội tôn giáo của người Chăm, lễ cấp sắc của người Dao, lễ hội lồng tồng của người Tày, lễ làm then của người Tày, Nùng, lễ vía Tổ nghề, Thiên Hậu Thánh mẫu và Quan Thánh Đế quân của người Hoa, lễ Tả Tài phán của người Hoa Nùng (thuật ngữ “Hoa Nùng” được nêu trong sách này, tuy nhiên các công trình khác gọi chung là người Hoa, hoặc “người Hoa Nùng” được gọi là nhóm Hoa Hải Ninh hoặc nhóm Hoa Quảng Ninh)…
Già làng Năm Nổi (Chơro) với đàn ống tre (goong kla)- 2004
Các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai không chỉ sáng tạo và bảo tồn văn hóa mà còn có những đóng góp cho phong trào kháng chiến đấu tranh giành độc lập dân tộc trong chống Pháp và chống Mỹ. Những bức ảnh tư liệu xưa đã thể hiện được phong phú sinh hoạt đời sống trong kháng chiến của họ.
Người Stiêng ở Bù Cháp
Sách ảnh Văn hóa các dân tộc thiểu số Đổng Nai là một công trình nghiên cứu dân tộc học đáp ứng kịp thời về việc giới thiệu những màng màu văn hóa tiêu biểu giàu bản sắc của 10 đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi đây. Sách gồm 197 trang được in khổ lớn 23,3cm x 24,5cm trên giấy láng couché. Nội dung sách gồm 3 phần chính:
- Phần I: Tổng quan các dân tộc thiểu số Đồng Nai. Giới thiệu về địa bàn tỉnh Đồng Nai, diện tích, dân số và danh mục thống kê các thành phần dân tộc ở Đồng Nai giúp cho người đọc có cái nhìn tổng thể về bức tranh các dân tộc ở Đồng Nai hiện nay.
- Phần II: Các dân tộc thiểu số ở Biên Hòa xưa. Ở phần này giới thiệu 68 ảnh đen trắng được chụp bởi các tác giả Pháp. Những bức ảnh này được các nhà sưu tập Nguyễn Văn Phúc và Lê Ngọc Quốc dày công khai thác tại các kho tài liệu nay được Huỳnh Văn Tới và các cộng sự tái sử dụng sắp xếp theo bố cục, đề cương của sách. Người xem thích thú với những bức ảnh rất có giá trị được các nhà nhiếp ảnh và dân tộc học Pháp chụp từ những năm 1925- 1967 như: người Mạ, Chơro ở vùng Đồng Nai Thượng, núi Chứa Chan, Thủ Dầu Một, người Stiêng ở Bà Rá 1926, người Stiêng ở Tà Lài 1926, người Khơmer ở Bình Phước năm 1932, người Mạ ở thượng nguồn Đạ Tẻ, Lâm Đồng (in trong sách xứ sở người Mạ của Jean Boulbet 1967)… . Những hình ảnh về nhà ở, trang phục, thổ cẩm, trang sức, sinh hoạt săn bắn, giã gạo, công cụ lao động sản xuất, nghi lễ, lễ hội, đánh cồng chiêng…
Trang phục truyền thống người Mường xã Phú Túc, huyện Định Quán
- Phần III: Các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai (1945 đến nay). Ở phần này sách giới thiệu 316 ảnh màu và ảnh trắng đen (một số ít) về các dân tộc: Chơro, Stiêng, Mạ, Cơ ho, Hoa, Hoa Nùng, Chăm, Tày, Mường, Khơmer. Nội dung ảnh về nhà ở, trang phục, thổ cẩm, trang sức, lao động, phong tục, nghi lễ, lễ hội thể hiện đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của các dân tộc. Ngoài ra, một số ảnh minh họa về đời sống phục vụ kháng chiến của đồng bào trong kháng chiến chống Mỹ. Nội dung phần II góp phần nhận diện văn hóa đặc trưng các tộc người ở Đồng Nai một cách rõ rệt, giúp người xem phân biệt văn hóa tiêu biểu của của từng tộc người nơi đây.
- Phần phụ lục: giới thiệu các gương điển hình như: anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Điểu Cải; các bà mẹ Việt Nam anh hùng người Chơro và người Hoa: Bình Thị Cúc, Bình Thị Sen, Điểu Thị Thẹo, Đào Thị Nhẫn, Dương Thị Dãnh, Thị Nguyên, Lý Thị Thanh, Thị Nghĩa, Thị Nhường, Tòng Thị Yến, Võ Thị Ngọ, Trịnh Thị Kim Hoa và Trương Kim; hai nghệ nhân dân gian là Nguyễn Văn Nổi (người Chơro) và Ka Bào (người Mạ).
Có thể nói, đồng bào các dân tộc Đồng Nai luôn ý thức về cội nguồn tộc người, cùng nhau bảo tồn và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng bào dân tộc thiểu số còn tích cực tham gia phong trào trong kháng chiến và ngày nay tiếp tục chung tay xây dựng quê hương, góp phần nâng cao đời sống kinh tế xóa đói giảm nghèo trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Sách in đẹp, chất lượng, độc giả xem sách sẽ cảm thấy rất lý thú và giải mã được nhiều vấn đề trong việc tìm hiểu về bản sắc văn hóa của các tộc người ở vùng đất Đồng Nai trong xây dựng và phát triển nền văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Người Khmer thị xã Long Khánh (Đồng Nai) hóa trang biểu diễn Dù kê, Lâm thon với Hanuman trong dịp tết Đôn Ta cổ truyền - 2010
Bài, ảnh Nguyễn Thị Nguyệt
-
15112018
-
07072021
-
07072021
-
07072021