VÀI NÉT TỔNG QUAN VỀ KHOA VĂN HÓA DÂN TỘC THIỂU SỐ

07
07
'21

Từ nhiều năm qua, mặc dù đảng, nhà nước luôn có nhiều chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa. Song ở đâu đó vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định.

1. Khái quát về sự hình thành Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số và quá trình đào tạo

Từ nhiều năm qua, mặc dù đảng, nhà nước luôn có nhiều chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước trên mọi lĩnh vực, đặc biệt bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa. Song ở đâu đó vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định. Nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của việc bảo tồn, phát triển văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều lúc, nhiều nơi còn chưa đúng, chưa thật đầy đủ, chưa thống nhất cao; Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số mặc dù đã được thể chế hóa, nhưng từ văn bản đến hiện thực vẫn còn nhiều khoảng cách mà nguyên nhân là thiếu sự tương thích giữa bảo vệ, giữ gìn với phát huy phát triển.

Điều này có nguyên nhân sâu xa từ chỗ chưa có sự đồng thuận của những chủ thể văn hóa; Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn rất thiếu, trình độ không đồng đều, nhiều nơi còn rất yếu, không đáp ứng được yêu cầu công tác trong tình hình mới; Nghiên cứu lý luận còn thiếu khả năng dự báo và định hướng; chưa làm rõ nhiều vấn đề có liên quan đến văn hóa, đặc biệt là văn hóa các dân tộc thiểu số trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong việc xác định những giá trị truyền thống cũng như hệ giá trị mới cần xây dựng, trong việc xử lý các mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, bảo tồn và phát triển, văn hóa và kinh tế… còn lúng túng.

Để góp phần vào sự khiếm khuyết trên, bổ sung một phần nguồn nhân lực có trình độ đại học phục vụ cho công tác văn hóa dân tộc thiểu số, từ năm 2006, được sự đồng ý của Bộ Giáo Dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho thành lập Khoa Văn hóa dân tộc thiếu số tại trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đào tạo cho con em dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía miền trung, tây nguyên và khu vực Nam Bộ (từ Quảng Nam trở vào) chuyên ngành Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Qua hơn 10 năm tuyển sinh bằng các hình thức như cử tuyển, thi tuyển, Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, trường đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo được một lực lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số khá lớn, có trình độ chuyên môn, có kỹ năng hoạt động tương đối tốt đáp ứng được phần nào nhu cầu về nguồn nhân lực này tại các cơ quan, ban ngành, địa phương thuộc khu vực.

Có thể nói, Khoa văn hóa dân tộc thiểu số là một đơn còn rất trẻ của trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (thành lập ngày 25/05/2006), có chức năng đào tạo sinh viên ngành văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam ở trình độ đại học với nhiều hình thức đào tạo như chính quy, cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, bồi dưỡng ngắn hạn; nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, chương trình đào tạo tiếp thu những thành tựu khoa học trong lĩnh vực nhân học văn hóa xã hội trong và ngoài nước ứng dụng vào hoạt động đào tạo.

Đội ngũ giảng viên của Khoa đều đạt trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Số lượng giảng viên cơ hữu còn hạn chế, phần lớn Khoa mời thỉnh giảng các giảng viên từ bên ngoài trường.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh của Khoa văn hóa dân tộc thiểu số gặp rất nhiều khó khăn, số lượng tuyển sinh tuy có đảm bảo được sĩ số mở lớp, những vẫn không đủ chỉ tiêu; hệ cử tuyển cũng không còn được nhiều thí sinh quan tâm lựa chọn, nhiều địa phương cũng không còn cử các em vào học chuyên ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam.

Có thể nói, văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hóa khác nhau xâm nhập vào đời sống xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, gây ảnh hưởng, tác động mạnh đến văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, đáng chú ý là nguy cơ phai mờ, biến dạng bản sắc dân tộc. Do vậy, việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cần phải tiếp tục thực hiện thường xuyên và lâu dài.

2. Một số kết quả quá trình đào tạo

Ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam được đào tạo bậc cử nhân tại trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2006 đến nay đã  hơn 10 năm thực hiện với gần 400 sinh viên trong 15 khóa, 11 khóa đã tốt nghiệp ra trường, cụ thể như sau:

Khóa học/lớp

Bậc đào tạo

Số lượng sinh viên đã tốt nghiệp

Số lượng sinh viên đang đào tạo

2006 - 2010

Đại học

47

 

2007 - 2011

Đại học

61

 

2008 - 2012

Đại học

30

 

2009 - 2013

Đại học

29

 

2010 - 2014

Đại học

13

 

2011 - 2015

Đại học

08

 

2012 - 2016

Đại học

31

 

2013 - 2017

Đại học

31

 

2014 - 2018

Đại học

33

 

2015 - 2019

Đại học

24

 

2016 - 2020

Đại học

25

 

2017 - 2021

Đại học

 

23

2018 – 2022

Đại học

 

18

2019 – 2023

Đại học

 

09

2020 - 2024

Đại học

 

05

Tổng cộng

332

 56

 

Hiện nay, đa số các cử nhân tốt nghiệp ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam sau khi tốt nghiệp cơ bản đều có việc làm, tham gia rất nhiều vị trí công việc ở các cơ quan nghiên cứu về dân tộc, nhân học ở Trung ương và địa phương, các cơ quan quản lý văn hóa trên địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và cả các công xí nghiệp. Điều này cho thấy, ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đáp ứng được tính đa dạng trong việc làm hiện nay, cũng như có một vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam.

3. Về đổi mới nội dung chương trình đào tạo

Để có thể thu hút ngày càng đông sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình đào tạo bậc cử nhân của Khoa luôn được chuyển đổi, điều chỉnh. Để thực hiện được điều đó Khoa luôn quan tâm đến việc khảo sát thực tiễn, tham khảo, học hỏi các đơn vị trong và ngoài Trường, ngành; tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi khóa học trên cơ sở đó tiến hành điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Trong thời gian qua, chương trình đào tạo đã được chuyển đổi 1 lần và điều chỉnh 2 lần. Mỗi lần chuyển đổi, điều chỉnh đều hướng đến đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục, nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

Đến năm 2010, Trường Đại học Văn hóa thành phố hồ Chí Minh quyết định chuyển đổi phương thức đào tạo từ hệ đào tạo niên chế sang hệ đào tạo tín chỉ theo xu hướng phát triển chung của thế giới. Do đó, các chương trình đào tạo tại Trường bắt buộc phải chuyển đổi theo phương thức đào tạo mới, trong đó có cả chương trình đào tạo của ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo theo hệ tín chỉ, tổng khối lượng kiến thức chương trình đào tạo được điều chỉnh từ 210 đvht (theo hệ niên chế) giảm còn 127 tín chỉ (theo hệ tín chỉ). Thực tế này, buộc các môn học trong chương trình đào tạo trước đó phải bị giảm thời lượng lên lớp. Sự cân nhắc, tính toán để giảm thời lượng cho một số môn học, cắt bỏ một số môn học mà qua thời gian đào tạo cho các khóa sinh viên đã ra trường cho thấy không giúp ích cho sinh viên trong công việc thực tế; tăng thời lượng một số môn học mà sinh viên cần thực hành nhiều hơn quả là vấn đề khó khăn đối với đội ngũ giảng viên trong Khoa. Giải pháp cuối cùng Khoa chọn thực hiện là: điểu chỉnh từ khối lượng kiến thức giáo dục chuyên nghiệp trước đây được chia nhỏ thành kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành chính (gồm: kiến thức chung của ngành chính, kiến thức chuyên sâu của ngành chính có phần bắt buộc và phần tự chọn), kiến thức bổ trợ tự do sang chương trình mới phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp gồm: kiến thức cơ sở ngành, kiến thức ngành (phần tự chọn và phần bắt buộc), chọn các môn học thay thế cho việc làm khóa luận tốt nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi vị trí các học phần (ví dụ: học phần Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á trước đây ở phần kiến thức cơ sở ngành nay chuyển lên phần Kiến thức giáo dục đại cương; Cơ sở văn hóa Việt Nam từ phần Kiến thức giáo dục đại cương xuống phần kiến thức cơ sở ngành...), đổi tên một số học phần cho phù hợp với nội dung môn học và ngành đào tạo (ví dụ Nhập môn quản lý văn hóa được đổi tên sang Quản lý nhà nước về văn hóa, Đại cương về văn hóa các dân tộc thiểu số đổi thành Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam...), bổ sung các môn học vào chương trình như môn: Phương pháp điền đã dân tộc học, Phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu định tính, Phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu định lượng, Thân tộc hôn nhân và gia đình, Văn hóa gia, đình nhằm bổ sung và giúp sinh nắm vững các kỹ năng nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức các hoạt động văn hóa vùng dân tộc thiểu số,... giảm thời lượng lý thuyết tăng thời lượng thực hành một số  học phần, vì theo quy chế 1 tín chỉ lý thuyết bằng thời lượng hai tín chỉ thực hành.

Với cấu trúc chương trình đào tạo mới hợp lý hơn bởi việc sắp xếp, bố trí các học phần theo điều điện tiên quyết để sinh viên tiếp thu kiến thức theo hệ thống lôgic, khoa học. Tạo thành một xâu chuỗi khá thuận lợi cho sinh viên học tập, tiếp cận và ứng dụng.

Chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ được ban hành tháng 6 năm 2012. Cũng trong năm đó, Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch chấp thuận đầu tư kinh phí để xây dựng và thiết kế giáo trình theo hướng chuẩn quốc tế dưới sự giúp đỡ của các giáo sư hàng đầu trong nước và trên thế giới trong lĩnh vực nhân học, văn hóa tộc người. Cụ thể, tư vấn và trực tiếp tham gia thực hiện các dự án liên quan đến lĩnh vực nhân học hình ảnh, tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật, văn hóa các tộc người thiểu số ở Việt Nam khu vực phía Nam. Trên cơ sở này, Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số tiếp tục điều chỉnh chương trình đào tạo, kết quả của lần điều chỉnh này là sắp xếp môn học, phân bổ lượng tín chỉ cho từng môn học sao cho phù hợp và đáp ứng với chủ trương của nhà trường là đào tạo theo định hướng ứng dụng.

Như vậy, quá trình đào tạo bậc cử nhân ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam của Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số tại Trường Đại học Văn hóa TP.HCM từ năm 2006 đến nay, khung chương trình đào tạo đã trải qua 1 lần chuyển đổi và 2 lần điều chỉnh nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng cơ bản về văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam để nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, tổ chức, quản lý, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của xã hội, phù hợp với sự phát triển học thuật ở trong nước và quốc tế, hướng đến khả năng liên thông với các trường đại học trong và ngoài nước có cùng lĩnh vực đào tạo.

Từ việc điều chỉnh chương trình đã đem kết kết quả đáng khích lệ trong việc đào tạo sinh viên ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam tại Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể chương trình đào tạo có tính tương đồng với chương trình đào tạo của các trường đại học trong nước. Sinh viên dăng ký xét tuyển vào ngành ngày càng tăng, sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.

Để ngành Văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam phát triển hơn nữa trong tương lai thì hiện nay phải được quảng bá sâu rộng, đặc biệt quảng bá thông qua chính sản phẩm (cựu sinh viên) đã được đào tạo từ ngành này, qua những công việc cụ thể mà cựu sinh viên đang đảm nhiệm, thông qua các công trình nghiên cứu mà cựu sinh viên thực hiện.

4. Phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp ngoài trường cùng tham gia quá trình đào tạo

Để từng bước nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo, gắn việc đào tạo với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của xã hội, thời gian qua, Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số đã tổ chức ký kết hợp tác với một số đơn vị bên ngoài trường để cùng tham gia đào tạo. Cụ thể Khoa đã hợp tác với các đơn vị:

- Ban Dân tộc TP.Hồ Chí Minh: hỗ trợ phối hợp cho sinh viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số tổ chức dạy tiếng Khmer tại huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh trong dịp hè năm 2019.

- Phòng Dân tộc thị xã Long Khánh: phối hợp tổ chức cho sinh viên thực tập giữa khóa năm 2019.

- Tuệ Thành Hội Quán Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ quỹ học bổng.

Nhìn chung việc hợp tác với các đơn vị bên ngoài cùng tham gia quá trình đào tạo với nhà nhà trường đã từng bước mang lại những hiệu quả rất thiết thực, bước đầu tạo được niềm tin trong sinh viên, cũng như một số đơn vị tuyển dụng nguồn nhân lực Văn hóa dân tộc thiểu số về chất lượng và tính thực tiễn của chuyên ngành.

Trong thời gian tới để đảm bảo công tác đào tạo đạt được yêu cầu, bên cạnh việc đổi mới chương trình đào tạo của Khoa, việc nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ giảng viên, sự đầu tư về cơ sở vật chất…, nhất thiết cần tăng cường phối hợp giữa các địa phương với nhà trường ngày càng chặt chẽ hơn nhất là trong việc quản lý, đào tạo sinh viên hệ cử tuyển hoặc có những chế độ chính sách ưu tiên hơn dành cho các thí sinh không thuộc diện được hưởng chế độ chính sách của nhà nước.

Chúng tôi hy vọng rằng, cùng với quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, cùng sự nỗ lực của đội ngũ giảng viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số sẽ góp phần làm cho công tác đào nguồn nhân lực ngành văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam tiếp tục phát triển.

Bài: Hứa Sa Ni

 

Từ khóa: