TÁI HIỆN LỄ CƯỚI NGƯỜI KHMER NAM BỘ CỦA SINH VIÊN KHOA VĂN HÓA DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI PHỐ ĐI BỘ NGUYỄN HUỆ
Trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa nhân kỷ niệm 44 năm ngày thành phố Sài Gòn- Gia Định vinh dự mang tên thành phố Hồ Chí Minh (2/7/1976- 2/7/2020), ngày 01/7/2020 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, sinh viên Khoa Văn hoá Dân tộc thiểu số, trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh đã trình diễn tái hiện lễ cưới của người Khmer Nam Bộ. Đây là dịp để sinh viên các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh thể hiện văn hóa các dân tộc; đặc biệt trình diễn, giao lưu, tìm hiểu về văn hoá của người Khmer Nam Bộ.
Lễ cưới của người Khmer Nam Bộ còn gọi là Apea pipea (Apea là đưa đến, pipea là đưa ngược trở về). Lễ cưới truyền thống của người Khmer Nam Bộ thường diễn ra trong ba ngày. Ngày thứ nhất gọi là "Thngay chôl rôn ka", ngày thứ hai gọi là "Thngay Si Kom not" và ngày thứ ba gọi là "Som pes Phtưm".
Ngày thứ ngày thứ nhất, nhà trai đưa chú rể và sính lễ qua nhà gái. Theo phong tục xưa thì chú rể không được phép vào trong nhà cô dâu, mà phải tiến hành nhiều nghi thức, nghi lễ khác sau đó mới được vào.
Lễ cưới người Khmer Nam Bộ đã được sinh viên Khoa Khoa Văn hoá Dân tộc thiểu số, trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh trình diễn với những lễ thức truyền thống sau:
1. Nghi thức múa mở rào (Rom bơk rô bon)
Vào ngày giờ đã định, bên nhà gái biết bên nhà trai sắp đến, nên gài cổng lại hay lấy một đoạn vải hoặc gậy để ngăn không cho vào (mang tính hình thức). Việc rào cổng này tượng trưng cho một ý đẹp là “cô gái còn trinh tiết” và "đề cao, tôn trọng phụ nữ". Đoàn nhà trai đến đây dừng lại, ông Maha (người mai mối) phải đứng ra nói xin mở rào. Nhưng cuối cùng phải tỏ ra cương quyết khi ông múa gươm đòi cho được “mở rào”. Nghĩa là “điệu múa mở rào” phải được ông Maha thực hiện nhiều lần thì rào mới được mở cho đoàn nhà trai vào nhà.
2. Lễ buộc chỉ tay (Chon đay)
Đây là lễ buộc chỉ cổ tay cho cô dâu và chú rể, cô dâu và chú rể sẽ đặt tay trên gối, hai người cùng chắp tay và nâng thanh đao (con dao nhỏ). Sợi chỉ được nhúng vào "Tưc mun" (nước thánh) sau đó lấy ra buộc. Người buộc chỉ tay đầu tiên là ông Acha (chủ lễ), đến cha mẹ cô dâu, rồi sau đó cha mẹ chú rể, tiếp theo là bà con trong dòng họ theo trình tự bắt đầu từ người lớn tuổi nhất cho đến hết những có vai vế trong họ.
Việc buộc chỉ cổ tay có ý nghĩa ra mắt hai họ là hai người được tổ chức lễ cưới theo đúng phong tục tập quán, đồng thời để họ hàng hai bên chúc phúc cho đôi vợ chồng mới.
3. Nghi thức nắm vạt áo cô dâu vào phòng (Ton sbay kôn kro mom chôl bon tup)
Trong nghi thức này, cô dâu bưng "bay prô lưng" (chậu đựng lễ vật) đi trước, còn chú rể sẽ nắm vạt áo của cô dâu đi theo sau, cùng lúc đó dàn nhạc lễ diễn tấu bài "Preah Thong ". Nghi thức này bắt nguồn từ truyền thuyết: Pres Thon nắm vạt áo của Neang Nek xuống thủy cung.
Việc tái hiện lễ cưới của người Khmer Nam Bộ của sinh viên Khoa Văn hoá Dân tộc thiểu số, trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Tin, ảnh: Anh Tuấn và Diễm Quỳnh
-
18122024
-
02102021
-
17112018
-
18042022
-
05122020
-
07072021
-
28102020
-
09102018
-
19042021
-
26092022
-
03092020
-
20042023