Lưu luyến Hàng Gòn của những bạn trẻ kiến tập

09
07
'19

Đây là bài cảm nhận của sinh viên lớp Đại học dân tộc thiểu số 9 thực tập giữa khóa tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai từ ngày 08 - 28/6/2019. Hàng Gòn nơi có rừng cao su bạt ngàn, nơi có một bộ phận đồng bào dân tộc Choro sinh sống bằng nghề cạo mủ cao su và trồng cây ăn trái…

Tụi con sẽ trở về nhà...

Chúng tôi sẽ trở về. Chúng tôi sẽ trở về chứ không phải trở lại. Trở về vì chúng tôi đã có một cảm nghiệm rằng đó là nơi thân thuộc với mình. Nơi đó chúng tôi gọi là nhà. Nơi mà mình sống trọn vẹn hai mươi ngày. Có lẽ là ít nhưng đã đủ. Chúng tôi có nhiều trân quý và hoài lưu luyến vùng đất Hàng Gòn thuộc xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Trong chuỗi những hoạt động chúng tôi tìm hiểu về đề tài sinh kế của người Chơro chủ yếu về cây cao su là phần lớn. Nơi chúng tôi đến kiến tập chỉ có bốn bề là những lô cao su ngút ngàn, thẳng tắp. Còn lại là những rẫy cà phê, sầu riêng, cây tiêu, cây điều,... Người công nhân Chơro quanh năm với những dòng mủ cao su trắng. Người Chơ-ro quanh năm với đất rẫy. Và rồi, cuộc sống họ cũng trông cậy vào những thân cây ấy. Hết vòng cạo này đến vòng cạo khác. Hết đời cây này đến cây khác. Cũng như đời họ ngày qua ngày với những lối mòn vào từng lô cao su…

Chúng tôi chỉ từng biết đến thành phần công nhân với hình ảnh của những người công nhân trong nhà máy, công ty may mặc, công nhân ở công trường,... Nhưng trong đợt kiến tập này chúng tôi đã biết thêm, hiểu thêm về những người công nhân cạo mủ cao su ở nông trường cao su Hàng Gòn. Đó là một hình ảnh mới nhất, ấn tượng nhất và trăn trở nhất có thể lần đầu đến với tất cả các thành viên trong nhóm tôi. Chúng tôi đã tự nói với nhau một điều: họ là những công nhân của một công việc lặng lẽ. Lặng lẽ theo cả nghĩa không gian và thời gian. Thời gian, tôi không ấn định được giờ mà tôi chỉ biết họ bắt đầu khi trời còn rất tối (3 giờ sáng họ đã ra khỏi nhà). Con đường ra lô cạo mủ, họ chỉ thấy được những ánh đèn từ xa thật xa, kéo vệt dài theo lô cao su, bị cắt đứt bởi những thân cao su. Lần đầu tiên chúng tôi được đồng hành với họ, được ra lô, được đi trong những vạt cao su lúc tối trời… Tiếp đến là những lần đi để thực hiện đoạn phim về một ngày của công nhân cạo mủ cao su, thấy được những ánh đèn của công nhân khác, chúng tôi hiểu, chúng tôi không một mình. Không gian, nếu không quen hay chưa quen bạn sẽ cảm tưởng rất rợn người. Nó im lặng kinh khủng. Bạn sẽ chỉ nghe thấy tiếng muỗi vo ve. Lô cao su lúc này chỉ cây cao su, người thợ cạo và những đàn muỗi. Và tôi không tưởng được một sáng nào đó trời mưa, lạnh lẽo vô cùng tận... Cũng những ngày này chúng tôi hiểu rằng đó là công việc, là sinh kế mà người ta phải bám lấy. Vì cuộc sống, một cuộc sống về lâu dài hơn. Một cuộc sống được đảm bảo hơn bởi một mai con người không đủ sức lao động hoặc vì bất cứ một lý do nào khác.

Già làng Chơro nói với chúng tôi: Dân tộc Châu ro mình không có chữ viết riêng các con ạ. Chỉ phiên âm ra rồi viết thôi. Tiếng nói của mình đến giờ cũng lai nhiều. Mình cứ chêm chêm tiếng Việt vào. Nhưng biết làm sao hơn. Tụi trẻ nó có tiếng Anh, tiếng ngoại ngữ. Đi học ở trường nó cũng phải thạo tiếng phổ thông. Người lớn mình đây thì cố gắng gìn giữ như ông bà đã truyền lại thôi con. Tiếng dân tộc mình mà. Cố gắng”. Họ dạy chúng tôi tiếng nói của người Chơro. Dạy trong một niềm vui, lòng nhiệt thành và sự nghiêm túc. Họ không nghĩ về thời gian chúng tôi chỉ ở tạm thời nơi đây. Họ trao truyền cho chúng tôi tất cả những gì và vào mọi lúc họ có thể. Từ tiếng nói đến những tri thức bản địa. Họ làm điều đó như một lẽ tất nhiên.

Kết thúc đợt thực tập, đến lúc chúng tôi rời khỏi địa bàn. Chúng tôi cũng chỉ để lại được một sân chơi chung cho các bạn nhỏ. Ngày hôm đó có những gương mặt thân thương đẫm nước mắt. Và có những gương mặt quyến luyến mà chúng tôi không dám quay nhìn lại. Vì vô hình trung, họ đã quên một điều rằng chúng tôi từ một nơi khác đến. Cái gì quen thuộc rồi khó mà đối mặt trong nhất thời. Chúng tôi nhớ hoài một câu nói trong một sáng chúng tôi sắp về lại Sài Gòn: “Hai mươi ngày rồi sao con? Tụi con kêu là ở một tháng mà. Nhanh quá...bao giờ gặp lại tụi con. Về rồi nhớ xuống lại nghe. Ai cũng trông.

Vâng tụi con sẽ trở về...

Rừng cao su Hàng Gòn

Sinh viên trò chuyện với những công nhân cạo mủ cao su người Chơro

Công nhân cao su nhận nhu yếu phẩm

                                                                     Bài, ảnh: Mộng Hân (sinh viên lớp ĐH DTTS 9)

Từ khóa: