THỰC TẾ MÔN VĂN HÓA DÂN GIAN TẠI TỈNH ĐỒNG THÁP

13
11
'19

      Thực hiện phương pháp giảng dạy lý thuyết kết hợp với thực hành, trong hai ngày 09 và 10/11/2019 lớp Đại học Dân tộc thiểu số 10 và lớp Đại học Quản lý văn hóa 13.3 đã được tổ chức chuyến đi thực tế tại tỉnh Đồng Tháp dưới sự hướng dẫn của giảng viên bộ môn là TS. Nguyễn Thị Nguyệt - Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số.

Trong hai ngày ở Đồng Tháp, gần 80 sinh viên của hai khoa Văn hóa dân tộc thiểu số và Khoa Quản lý văn hóa - Nghệ thuật đã được tham quan các đình, chùa, miếu, nhà cổ… tìm hiểu, thu thập tư liệu để làm bài thi kết thúc học phần về một số lĩnh vực văn hoá dân gian của các dân tộc Việt và Hoa ở địa phương. Địa điểm tham quan thuộc các huyện Châu Thành, huyện Lấp Vò, thành phố Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh.

Điểm tham quan đầu tiên là chùa Phước Kiển (chùa Lá Sen) thuộc huyện Châu Thành. Đây là ngôi chùa nổi tiếng bởi những hồ sen với loại sen lá cực to còn gọi là sen vua có nguồn gốc từ vùng Amazon (Nam Mỹ), đường kính lá sen từ 1- 2 m. Hệ thống thờ tự ở chùa Lá sen khá phức tạp đan xen giữa Phật giáo, Đạo giáo và các yếu tố tín ngưỡng dân gian, đặc biệt việc thờ các đối tượng Thánh Mẫu, Ngọc Hoàng, Quan Thánh Đế quân… Các đối tượng thờ trong chùa Lá Sen thể hiện dấu ấn giao lưu văn hóa Việt- Hoa khá rõ nét. Chùa Lá Sen cũng là điểm tham quan nổi tiếng ở Đồng Tháp.

Chùa Lá Sen, huyện Châu Thành

Điểm tham quan tiếp theo ở huyện Châu thành là miếu bà cô Hai Hiên và đình Tân Xuân thuộc xã Tân Xuân. Đình Tân Xuân là một trong những ngôi đình có lịch sử xây dựng gần 200 năm, là nơi thờ thần Thành hoàng bổn cảnh thờ (ba vị trong một trong gia đình gồm ông bà Trần Văn Thạnh  và Hồ Thị Tường cùng con trai là Trần Văn Thông). Ngôi đình mặc dù mới được trùng tu nhưng vẫn giữ được nhiều dấu ấn kiến trúc cũ hình chữ Tam, đỉnh các chóp mái lầu trống kiểu tứ trụ. Kiến trúc gồm nhà võ ca, trung điện và chánh điện. Trang trí bên trong đình còn lưu giữ nhiều nét mỹ thuật trang trí truyền thống dân gian Việt Nam chạm khắc lộng hoa văn dây là cúc cách điệu, lưỡng long chầu nhật, đề tài cúc điểu, trúc tước… Các bục bệ khám thờ đặt các cặp trang trí hạc rùa truyền thống trong tín ngưỡng Việt. Miếu Bà cô Hai Hiên cũng giống như đình Tân Xuân được trang trí nhiều yếu tố mỹ thuật điêu khắc dân gian chạm lộng truyền thống giống như đình Tân Xuân.

          

Miếu Bà cô Hai Hiên và đình Tân Xuân, huyện Châu Thành

Các điểm tham quan tại thành phố Sa Đéc như: đình Vĩnh Phước, chùa Kim Huê, chùa Ông Quách (Kiến An cung), chùa Bà (Thiên Hậu cung), Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm (chùa Tiều), nhà cổ Huỳnh Thủy Lê. Các đình, chùa, miếu và nhà cổ thể hiện dấu ấn của kiến trúc tín ngưỡng dân gian của người Việt và người Hoa tại tỉnh Đồng Tháp. Kiến trúc và trang trí nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vừa mang kiến trúc mỹ thuật điêu khắc phương Tây và phương Đông. Đặc biệt mô típ mỹ thuật trang trí bao lam bên trong nhà cổ khá tương đồng với trang trí một số chùa, miếu Hoa bởi vì chủ nhân nhà cổ gốc người Hoa dồng thời cũng là người đứng ra xây dựng một số cơ sở tín ngưỡng dân gian người Hoa ở thành phố Sa Đéc.

Chùa Ông Quách (Kiến An Cung), Tp. Sa Đéc

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, Tp. Sa Đéc

Chùa Kim Huê Tp. Sa Đéc

Đình Vĩnh Phước là những một trong những ngôi đình tiêu biểu của người Việt ở Đồng Tháp. Đình không chỉ có quy mô lớn mà còn tiêu biểu với kiến trúc mái kiểu chữ tam, mái lợp ngói âm dương. Các đình Đồng Tháp đa số có chóp mái kiểu cổ lầu trống tứ trụ. Đặc biệt các đầu vì kèo điêu khắc trang trí đầu rồng rất mỹ thuật. Đình Vĩnh Phước (thành phố Sa Đéc) độc đáo không chỉ ở các mảng điêu khắc gỗ mà còn nổi vật với nghệ thuật trang trí cẩn ghép sành sứ bên ngoài từ đỉnh mái, gờ mái và mặt tiền đình.

Đình Vĩnh Phước, Tp. Sa Đéc

Đình Định Yên và làng nghề dệt chiếu là hai điểm tham quan ở huyện Lấp Vò. Đình Định Yên cũng có trang trí chạm khắc gỗ hình đầu rồng ở đầu vì kèo giống đình Vĩnh Phước. Điểm đặc biệt ở đình Định Yên (huyện Lấp Vò) là ghép giữa đầu cột và rường ốp các tượng gỗ điêu khắc cá hóa long sơn màu sắc cổ khá giống như tượng gốm. Ngoài ra, đình Định Yên còn có những mảng tranh vẽ độc đáo khá mỹ thuật thể hiện nghệ thuật hội họa truyền thống dân gian người Việt, nội dung chứa đựng các đề tài giáo dục có ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa hoặc tư tưởng hệ Nho giáo phương Đông. Đây là những đặc điểm độc đáo hiếm thấy ở các đình khác ở Nam Bộ. Đình Định Yên là nơi thờ thần Thành hoàng, Nguyễn Trung Trực và ông Tổ nghề dệt chiếu Nguyễn Văn Bào; hàng năm diễn ra nhiều lễ hội tiêu biểu đặc biệt lễ thượng điền và hạ điền phổ biến ở đình làng Nam Bộ.

Đình Định Yên, huyện Lấp Vò

Bao quanh đình Định Yên là làng nghề dệt chiếu Định Yên khá nổi tiếng ở Đồng Tháp. Làng nghề được quy hoạch có cổng xây lớn định danh làng nghề và đường đi khá thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan. Ngoài một số cơ sở dệt chiếu lớn, hầu hết là hộ sản xuất nhỏ kiểu gia đình. Kỹ thuật sản xuất dệt chiếu theo kiểu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, chỉ còn rất ít hộ dệt thủ công.

Làng nghề dệt chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò

Tại thành phố Cao Lãnh, sinh viên được tham quan và dự lễ vía ngày rằm hạ ngươn ở đền thờ ông bà Đỗ Công Tường, người sáng lập ra chợ Cao Lãnh. Chức vụ của ông Đỗ Công Tường cũng liên quan đến địa danh Cao Lãnh rất lý thú.

Lễ vía Hạ ngươn tại đền thờ ông bà chủ chợ Đỗ Công Tường, Tp. Cao Lãnh

Tri thức dân gian với bí quyết tạo nên các món ăn trở thành đặc sản của ẩm thực Đồng Tháp như: nem Lai Vung, bánh phồng Sa Giang, hủ tiếu Sa Đéc, bún chay Cao Lãnh, chè ỉ, bánh lá tre… Những bài thuốc dân gian, những kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, trong làng nghề thủ công và dự báo về thời tiết.

Mảng văn học dân gian Đồng Tháp với truyền thuyết về cô Hai Hiên, về địa danh Cao Lãnh, những câu tục ngữ, thành ngữ… dân gian của người Đồng Tháp. Đặc biệt hai câu cao dao quen thuộc “Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”…

Những kết quả của sinh viên sau khi đi thực tế được thể hiện trong các bài thi nhóm đã được phân công theo từng chủ đề, là cơ sở để giảng viên chấm thi tiểu luận và thuyết trình kết thúc học phần Văn hóa dân gian.

                                                                                         Bài, ảnh: Nguyễn Thị Nguyệt

 

Từ khóa: