Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer

12
04
'25

Tết năm mới của người Khmer diễn ra vào tháng Tư dương lịch hằng năm. Theo quan niệm của người Khmer, đây là thời gian giáp nối giữa mùa nắng và mùa mưa. Sự tích của Tết này được cho từ cuộc tranh tài thi đố giữa Thom Ma Bal - cậu bé thông minh dưới trần gian và thần Ka Bưl Ma Ha Prum. Cậu bé Thom Ma Bal chiến thắng vì đã giải nghĩa được câu đố của thần linh và thần Ka Bưl Ma Ha Prum phải tự chặt đầu của mình theo lời hứa. 

       Chuẩn bị cho Tết này, người Khmer trang trí bàn thờ, nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh nhà đến đường sá, làm những loại bánh trái truyền thống để lễ chùa, dâng sư. Ở các chùa được trang hoàng cổng, cờ hoa rực rỡ. Các loại bánh người Khmer làm trong dịp tết như bánh tét (num chruk)bánh ít (num tean), bánh gừng (num knhây)bánh men (num tromnum trom be)... 

       Thời gian tết diễn ra trong 3-4 ngày tùy năm. Đêm đầu tiên (ngày 13/4), người Khmer đem lễ vật, nhang đèn đến chùa. Tại chùa, tổ chức tụng kinh và tưới nước hương những địa điểm tổ chức các nghi thức cúng với quan niệm tiễn đưa vị thần năm cũ, xua đuổi tà ma và tẩy thanh để đón năm mới. Cộng đồng Khmer tại chùa tổ chức lễ rước thần năm mới với nghi thức đội cuốn đại nông lịch Khmer (Mahasoongkran) đi chung quanh chánh điện chùa 3 vòng. Đoàn rước với những nhân vật được hóa trang chằn cầm gậy mở đường, đội diễn tấu âm nhạc (trống chay dăm hoặc dàn nhạc ngũ âm). Sau đó, vào trong chùa nghe sư thuyết giảng. Chung quanh chùa có tổ chức những trò chơi dân gian. 

       Vào ngày thứ nhất, người Khmer tổ chức đi thăm, dâng quà, bánh trái cho ông bà, cha mẹ, người thân hoặc những người có ân đức với mình. 

Ngày thứ hai, người Khmer dâng cơm sáng và trưa cho các sư tại chùa. Trước khi độ cơm, các vị sư tụng kinh tạ ơn và cầu khấn chúc phúc cho thí chủ. Người lớn tập trung nghe sư thuyết giảng, giới trẻ vui chơi, xem các loại hình tổ chức tại chùa như Rô băm, hát aday đối đáp, dù kê,... Trong ngày này, chung quanh chánh điện, người Khmer tổ chức đắp núi cát hay núi lúa. Theo quan niệm, những ngọn núi này tượng trưng cho vũ trụ, mỗi núi một hướng và núi thứ chín ở giữa (Someru, tượng trưng trung tâm trái đất). Buổi chiều, tổ chức quy y cho các núi và đến sáng hôm sau thì tổ chức lễ xuất thế cho các núi. Việc đắp các núi với những nghi thức liên quan được cho bắt nguồn từ Phật giáo với việc phúc duyên đắp núi (Anisoong pun phnum khsách). 

       Ngày thứ ba, sau khi dâng cơm sáng, trưa cho các sư tại chùa, người Khmer tổ chức lễ tắm Phật tại chánh điện bằng nước hương thơm, sau đó tắm cho các vị sư cao niên. Khi về nhà, người Khmer tổ chức tắm rửa cho ông bà, cha mẹ. 

       Đây là lễ tết lớn trong năm, người Khmer tập trung về nhà và đến chùa thực hiện những nghi lễ và sinh hoạt theo truyền thống cộng đồng. Nhưng nghi thức mang tính lễ nghi nông nghiệp gắn liền với Phật giáo tiểu thừa, vừa có ý nghĩa thiết thực về giáo huấn đạo đức trong cộng đồng về lòng hiếu thảo, biết ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, sư sãi,... và lòng thành kính Phật. 

Một số hình ảnh công tác chuẩn bị Tết tại Chùa Krang Chay Tân Lợi huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang

Hoàng Ba tổng hợp: ảnh Chau SaRuonl; bài dẫn lại từ nguồn: Lâm Nhân; Huỳnh Văn Tới; Triệu Thế Hùng; Phan Đình Dũng; Nguyễn Đệ; Hứa Sa Ni; Chu Phạm Minh Hằng (2023), Giáo trình Văn hoá các dân tộc thiểu số ở Nam Bộ, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: